Thận trọng với “bẫy” tâm lý đám đông trên thị trường vàng
Tâm lý đám đông khiến nhiều người tham gia vào thị trường vàng và đẩy giá vàng tăng cao, trong khi chênh lệch giữa mua vào – bán ra quá lớn, tiềm ẩn rủi ro nếu nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn.
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước cụ thể là vàng SJC đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ khi leo lên mức cao kỷ lục 81 triệu đồng/lượng trước khi trải qua một đợt giảm giá đột ngột.
Sự biến động này đã kích hoạt hàng loạt cảnh báo từ các chuyên gia về khả năng áp lực chốt lời có thể xuất hiện. Đáng chú ý, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới được cho là quá lớn, đặt ra rủi ro không nhỏ đối với những nhà đầu tư quyết định mua vào trong giai đoạn này.
Các nhà phân tích khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính phân tích, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao là do giá vàng thế giới những ngày qua đã tăng thêm khoảng 38 USD/ounce, trong khi chỉ số sản xuất kinh doanh, chỉ số giảm lạm phát cũng như các yếu tố liên quan đến nền kinh tế Mỹ không như mong muốn.
Bên cạnh đó, cung cầu của vàng SJC cũng tương đối lệch nhau, nhiều người mong muốn nắm giữ vàng mà lượng bán ra lại ít. Tại Việt Nam, tháng 1 âm lịch là thời điểm mua vàng cầu may diễn ra khá nhiều, không chỉ vàng SJC mà cả vàng nhẫn cũng có sự tăng giá. Đồng thời, một số chuyên gia dự báo rằng, giá vàng có thể lên mức 2.100 – 2.400 USD/ounce trong thời gian tới.
Riêng về thị trường vàng nhẫn trong thời gian vừa qua, người dân cũng có xu hướng mua tích trữ, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Do đó, việc kinh doanh vàng nhẫn trở thành một trong những vấn đề đảm bảo an toàn khi chưa biết quy định sẽ được sửa theo hướng nào.
Tương tự, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, triển vọng tăng giá của vàng trong năm nay được nhiều tổ chức tài chính quốc tế khẳng định, không chỉ là dự báo từ Goldman Sachs mà còn từ các tổ chức khác đã nhận định giá vàng có thể chạm mức 2.500 USD thậm chí là 3.000 USD/ounce trong tương lai. Dự kiến, trong khoảng 6 tháng tới, giá vàng sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là vào cuối quý 3 và đầu quý 4/2024, phù hợp với xu hướng giá vàng thường tăng vào cuối năm.
“Với xu hướng tăng của giá vàng toàn cầu, giá vàng trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng. Tuy nhiên, mức độ tăng cũng như sự chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn so với thị trường thế giới sẽ còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, và sự chú ý hiện nay đang đổ dồn vào việc cập nhật và sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, ông Trần Duy Phương phân tích.
Có thể thấy, vàng tăng giá là một trong những nhân tố làm cho trào lưu quan tâm tới vàng của mọi người càng tăng lên. Thêm vào đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện đã xuống quá thấp, thị trường bất động sản khó khăn, vì vậy kinh doanh vàng đã cho thấy những lợi thế nhất định.
Tuy nhiên PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, chính tâm lý đám đông khi nhiều người tham gia vào thị trường thì càng đẩy giá vàng SJC cùng vàng nhẫn lên mức rất cao. Đặc biệt, giá vàng hiện nay của Việt Nam đang cách khá xa so với giá vàng thế giới, nhất là vàng SJC chênh lệch tới 20 triệu đồng một lượng, chưa kể độ vênh giữa mua vào và bán ra quá lớn, tiềm ẩn rủi ro khi nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn.
“Giá vàng trong thời gian tới về mặt nguyên tắc sẽ có chiều hướng tăng lên, nhưng mức tăng không quá lớn và có thể trong tháng 3 này giá vàng thế giới lại tiếp tục rơi về quanh khu vực 1.950 – 2050 USD/ounce. Với mức đó thì giá vàng Việt Nam sẽ tương đối rẻ chứ không quá cao và giá vàng vẫn luôn có chu kỳ tăng giảm, nên các nhà đầu tư nên hết sức chú ý trong quá trình đầu tư vàng”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn