Tham vọng “đường lưỡi bò”: Đừng biến không thành có!

“Việc quảng bá sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có “đường lưỡi bò” tại Việt Nam là vi phạm pháp luật và không được chấp nhận tại Việt Nam”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thêm một lần nữa khẳng định quan điểm của Việt Nam.

Việc Công ty IME Entertainment – đơn vị tổ chức đêm nhạc có tên gọi Born Pink World Tour Hanoi của nhóm BlackPink tại Hà Nội – chia sẻ bản đồ có “đường lưỡi bò” khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam phẫn nộ, kêu gọi “tẩy chay” Born Pink World Tour Hanoi.

Mặc dù đại diện của IME Vietnam đã lên tiếng xin lỗi và cho rằng việc sử dụng biểu đồ này không phù hợp và gây hiểu lầm. IME tiến hành gỡ bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” và cam kết sẽ không tái sử dụng hoặc phát hành bất kỳ nội dung tương tự nào trong tương lai. Tuy nhiên, hình ảnh bản đồ đã được chụp lại và lan truyền rầm rộ.
Tham vọng
Website của Công ty IME hôm hiển thị bản đồ “đường lưỡi bò” – Ảnh chụp màn hình

Ngay khi xảy ra sự việc, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và những đơn vị liên quan xác minh thông tin công ty tổ chức đêm nhạc Black Pink ủng hộ “đường lưỡi bò”.

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức họp báo để thông tin về vụ việc. Bà Phạm Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định quan điểm của Việt Nam về yêu sách “đường 9 đoạn” đã được làm rõ nhiều lần. Liên quan đến các thông tin liên quan đến show diễn của BlackPink, cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh.

Theo người phát ngôn Bộ “Việc quảng bá sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có “đường 9 đoạn” tại Việt Nam là vi phạm pháp luật và không được chấp nhận tại Việt Nam”.

Mặc dù ông Brian Chow, Giám đốc điều hành IME cho biết hình ảnh bản đồ trên website không đại diện cho lãnh thổ quốc gia nào và Công ty ý thức được việc tôn trọng chủ quyền và văn hóa của tất cả các quốc gia IME có mặt. IME cũng đã nhanh chóng rà soát và cam kết thay thế những hình ảnh không phù hợp với người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, động thái của IME vẫn chưa thể hiện được hết “thành ý” bởi công ty IME cần có hành động thiết thực và dứt khoát để sữa chữa sai lầm trên. Đặc biệt là việc cập nhật lại bản đồ theo đúng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền đất nước của Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên “đường lưỡi bò” thoắt ẩn, thoắt hiện tại Việt Nam. Trước đó ít ngày, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành xác nhận phim điện ảnh Barbie sẽ không được phát hành tại Việt Nam do có yếu tố “đường lưỡi bò”. Cục trưởng Cục Điện ảnh – ông Vi Kiến Thành cho biết Hội đồng duyệt phim quốc gia đã xem và quyết định không cho phim Barbie ra rạp. “Cục Điện ảnh đã ra quyết định cấm phát hành do phim có xuất hiện đường lưỡi bò”, ông Thành xác nhận.

Tham vọng
Hình ảnh từ trailer chính thức của Barbie.

Trước đó, nhiều tác phẩm quốc tế có chứa “đường lưỡi bò” từng bị cơ quan chức năng xử lý. Tháng 3/2022, Thợ săn cổ vật (Uncharted) bị cấm ra rạp Việt. Tháng 12/2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) – phim hoạt hình có cảnh bản đồ “đường lưỡi bò”…

Không thể đếm bao nhiêu lần Trung Quốc giở mọi thủ đoạn, hòng tuyên truyền cho “đường lưỡi bò” – cái chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Từ các ấn phẩm văn hóa, thông qua bản đồ, đồ chơi trẻ em, phim hoạt hình, in ấn trên áo… Cho đến cái passport cũng in lên “đường lưỡi bò” cho công dân nước họ du hành “tuyên truyền” khắp khu vực Đông Nam Á. Càng ngày, Trung Quốc tuyên truyền “đường lưỡi bò” tinh vi hơn, hết cài trong phần mềm định vị trên ô tô nhập vào Việt Nam, rồi cài trong phần mềm thiết bị điện mặt trời..v..v.

Có thể nhận thấy, Trung Quốc luôn nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và trong những năm gần đây đã công khai tham vọng này bằng việc công bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông cũng như đẩy mạnh việc cải tạo trái phép các bãi đá trong khu vực thành các đảo nhân tạo làm căn cứ để hiện thực hóa điều này.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền bí mật thông qua những thông điệp được nước này cài cắm hết sức tinh vi bất cứ lúc nào có thể. Và việc Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về đường lưỡi bò phi lý thông qua việc cài cắm hết sức tinh vi trong truyền thông, văn hóa, giải trí chính là một trong những cách để nhanh chóng đạt được mục đích của mình.

Tham vọng
Cái gọi là “đường lưỡi bò” đang trái với các công ước quốc tế.

Những gì diễn ra ở mọi góc cạnh từ quân sự, chính trị, kinh tế cho đến văn hóa… nó cho thấy “đường lưỡi bò” nó vẫn đang tồn tại một cách âm ỉ, là chiến lược bài bản mà giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch và từng bước hiện thực hóa nó, mặc kệ các nước nằm trong vùng ảnh hưởng phản đối, bỏ qua sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của nước này trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.

Với Việt Nam, việc gìn giữ chủ quyền quốc gia được thực hiện btrong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, đối với đối tượng nào, và cũng không bao giờ được sơ suất, lơ là, mất cảnh giác.

Tin rằng, với tất cả sự mềm mại của “ngoại giao cây tre”, Việt Nam sẽ uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo và cơ động trong sách lược để thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái”. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế – xã hội, nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button