Thách thức mới cho thương mại điện tử trong “bình thường mới”
Loạt thách thức mới cho TMĐT
Theo các chuyên gia, hiện nay, bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực về sự phát triển của thương mại điển tử (TMĐT) trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối phó với các thách thức rất lớn đến từ việc khách hàng sẽ ngày càng “khó tính” cũng như sự cạnh tranh giữa chính các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi TMĐT.
Theo TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Chương trình cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thì thực trạng tương tác người dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như áp dụng 5K triệt để đã tạo ra sự dịch chuyển về hành vi mua hàng cũng sẽ thay đổi rất nhiều.
“Mức độ sẵn sàng của hành vi thay đổi rõ rệt khi người tiêu dùng đề cao tính bền vững và an toàn tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn thương hiệu hay món hàng cho mục đích cụ thể. Các điểm chạm của khách hàng sẽ biến thiên và đa dạng hơn khi có sự giao thoa mạnh mẽ giữa online-offline”, TS. Khanh phân tích.
Cũng theo TS. Khanh Trong bối cảnh cạnh trạnh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp vận hành nền tảng TMĐT sẽ phải ngày càng chú ý đến vai trò cũng như lợi ích của việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, lấy người dùng làm trung tâm nhằm phục vụ tối đa khách hàng cũ (up-sell và cross-sell), săn tìm khách hàng mới cũng như tăng độ hài lòng để giữ chân họ. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam đang có một số rào cản về công nghệ hay sự chậm chạp trong việc áp dụng cũng như phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác nước ngoài tạo nên sự trì trệ trong việc tăng cường cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, TS. Khanh phân tích.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp vận hành các nền tảng TMĐT phải đối mặt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, từ nguồn hàng đến kho vận, giao nhận đến lao động. Theo chia sẻ của ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch Unilever Việt Nam thì vừa qua đã có thời điểm doanh nghiệp này có 44 chiếc xe chở theo gần 500 tấn hàng tiêu dùng của chúng tôi bị chôn chân trên đường đến cả 4 ngày.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng kinh doanh bưu chính thương mại điện tử, Tổng Công ty bưu điện Việt Nam cho biết theo khảo sát năm 2021, khách hàng thương mại điện tử luôn muốn giao hàng nhanh, chi phí thấp và dịch vụ tốt. Trong khi đó các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử cũng đang phải đối mặt với thách thức về tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong Ecommerce-Logistics còn thấp.
Theo bà Mai Anh, hiện nay chỉ có khoảng gần 11% số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản liên quan đến theo dõi và truy suất hàng hóa, hệ thống giao nhận, kho bãi… Còn lại, phần lớn doanh nghiệp vẫn đang duy trì hình thức thủ công trong phân loại, chia chọn hàng… dẫn đến sai sót, chi phí cao, nhất là khi sản lượng thương mại điện tử lớn như hiện nay.
Ngoài những thách thức tương đối truyền thống nói trên, theo các chuyên gia, một số thách thức mà các doanh nghiệp TMĐT sẽ phải đối mặt và giải quyết hiện nay là những lo ngại của khách hàng về sự bảo mật thông tin cá nhân, hiện tượng lừa đảo lợi dụng các nền tảng TMĐT, thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động Ecommerce-Logistics;…
Trong bối cảnh thị trường TMĐT liên tục có nhưng thay đổi, theo các chuyên gia việc các doanh nghiệp trong nước kịp thời cập nhật những xu hướng và công nghệ mới từ các doanh nghiệp TMĐT toàn cầu là hết sức cần thiết để phát triển và hòa nhập vào hệ thống MTĐT xuyên biên giới ngày càng trở thành xu thế hiện nay.
Những “key” từ ông lớn Alibaba
Vừa qua, ông lớn TMĐT Alibaba đã phát động Lễ hội Mua sắm toàn cầu 11.11 lần thứ 13 trong đó nhấn mạnh vào sự bền vững và toàn diện. Theo đó, một trong những trọng tâm chính mà doanh nghiệp này hướng đến như khẳng định của ông Chris Tung – Giám đốc Marketing Tập đoàn Alibaba cho biết là việc khuyến khích phát triển bền vững và thúc đẩy sự toàn diện cho người tiêu dùng, các nhà bán hàng và các đối tác trong toàn hệ sinh thái TMĐT của nền tảng này.
Được biết, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì sự kiện năm nay của Alibaba vẫn có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia kỷ lục của 290.000 thương hiệu, cung cấp hơn 14 triệu khuyến mãi cho hơn 900 triệu người tiêu dùng trên Tmall.
Bên cạnh đó, một trong những hình thức bán hàng đang trở thành xu thế cũng được thể hiện rõ trong sự kiện bán hàng lớn nhất năm của Alibaba là livestreaming phát trực tiếp. Theo công bố, trên nền tảng Taobao Live sẽ có sự tham gia của 700 người có tầm ảnh hưởng (KOLs), người nổi tiếng và đại diện các thương hiệu hàng đầu trong các buổi livestream.
Ngoài ra, trên các nền tàng TMĐT của mình như Tmall, Taobao, ông lớn Alibaba cũng cho thấy một xu hướng đón bắt xu thế thay đổi thị hiếu người dùng khi chú trọng vào lối sống “xanh”, tiêu dùng thân thiện với môi trường đang được ưu tiên hàng đầu trong việc.
Một điểm nhấn khác trên các nền tảng TMĐT của Aliaba mà các doanh nghiệp TMĐT trong nước có thể tham khảo là việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cho từng nhóm đối tượng. Cụ thể trên ứng dụng Taobao vừa qua đã giới thiệu một tùy chọn cho “chế độ người cao tuổi”, với giao diện dễ sử dụng hơn đối với người dùng cao tuổi.
LÊ SÁNG