Tăng trưởng ngân hàng và hiệu quả đầu tư cổ phiếu ngành

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng kỳ vọng chất lượng tài sản trong năm 2025 tiếp tục xu hướng cải thiện của quý IV/2024.

Tăng trưởng ngành và tính chu kỳ

Trong nhiều năm vừa qua, lợi nhuận ngành ngân hàng đã chứng tỏ tính chất tăng trưởng với tổng lợi nhuận sau thuế 27 ngân hàng ở mức 72,8 nghìn tỷ (2018) tăng lên đến 237,8 nghìn tỷ (2024), tương đương tăng trưởng kép 21,8%/năm. Đây là một mức tăng trưởng thật sự vượt trội tại Việt Nam.

Tăng trưởng ngân hàng và hiệu quả đầu tư cổ phiếu ngành
Trong giai đoạn 2018-2024, tính tăng trưởng của ngành ngân hàng hiện hữu rõ, áp đảo tính chu kỳ. Ảnh minh họa: Itn

Dù trải qua các đợt “suy thoái” như Covid – 19 hay khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, thì lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ bị ảnh hưởng trong vài quý rồi nhanh chóng trở lại con đường tăng trưởng. Điều này cho thấy kết quả kinh doanh của ngành vẫn chịu ảnh hưởng bởi tính chu kỳ nhưng tính chất chu kỳ của ngành ngân hàng ít hơn nhiều so với tính chất tăng trưởng.

Dữ liệu kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng từ 2018-2024 phản ánh trong vòng 6 năm, tính tăng trưởng của ngành ngân hàng hiện hữu rõ và áp đảo tính chu kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý là tính chu kỳ có thể ít lại nhờ một phần vào việc quyết định trích lập của ngân hàng (ảnh hưởng lợi nhuận) và tính chu kỳ thể hiện rõ hơn ở chất lượng tài sản mà chỉ nhìn vào lợi nhuận thôi là chưa đủ.

So với giai đoạn trước 2010-2015, tính chu kỳ của ngành ngân hàng cao hơn hiện nay khi trải qua đợt suy thoái 2011-2012, theo đó kết quả kinh doanh toàn ngành thể hiện mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và trở lại giai đoạn tăng trưởng.

Thấy gì về chất lượng tài sản?

Chất lượng tài sản là điều đáng ngại nhất mà thị trường quan tâm và nghi ngờ về sự tăng trưởng của nhóm ngành này.

Sau ảnh hưởng của khủng khoảng nửa sau 2022 thì chất lượng tài sản của ngân hàng đã suy giảm và phản ánh dần vào tỷ lệ nợ xấu, với nợ nhóm 2 gia tăng từ giữa năm 2022 và đạt đỉnh vào quý II và quý III của 2023, sau đó tỷ lệ nợ xấu có xu hướng đi ngang trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết quả kinh doanh quý IV/2024 cho thấy sự cải thiện của chất lượng nợ – nợ xấu giảm về mức 1,9%. Kết quả của một quý chưa có quá nhiều ý nghĩa mà cần kết quả kinh doanh vài quý tới để đánh giá xu hướng cải thiện chất lượng tài sản.

Tăng trưởng ngân hàng và hiệu quả đầu tư cổ phiếu ngành

Theo kết quả khảo sát của NHNN cuối 2024 với các tổ chức tín dụng thì các ngân hàng kỳ vọng chất lượng tài sản trong năm 2025 tiếp tục xu hướng cải thiện của quý IV/2024 nhưng sẽ là quá trình cải thiện dần dần – khó cải thiện một cách nhanh chóng.

Để nhìn rõ hơn chất lượng tài sản thì cần nhìn vào xu hướng hình thành nợ xấu mới và độ bao phủ nợ (dự phòng của ngân hàng có đủ lớn để xử lý). Trong đó, nợ xấu hình thành mới cho thấy sự hạ nhiệt trong quý III và quý IV năm 2024 sau 2 quý nợ xấu mới hình thành cao gần bằng kỷ lục cuối 2022. Do đó, điều này cũng giúp củng cố niềm tin về năm 2025 chất lượng tài sản dần tốt hơn như khảo sát nêu trên.

Về dự phòng thì sau “khủng hoảng” 2022 các ngân hàng đã tích cực dùng dự phòng để làm sạch nợ xấu khỏi bảng cân đối nhằm duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng không quá cao nhưng cũng khiến tỷ lệ bao phủ nợ suy giảm từ quý IV/2022 đến nay. Nhìn chung, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm về mức tương đương trước dịch Covid-19 và dự phòng toàn ngành đang phân hóa mạnh. Các ngân hàng có trích lập tốt sẽ có dư địa tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Cổ phiếu ngân hàng đã phản ánh câu chuyện tăng trưởng?

Nhìn vào giá cổ phiếu ngân hàng, có thể thấy thấy nhóm ngân hàng đã vượt đỉnh thời đại cuối 2021 đầu 2022 và đem lại hiệu suất vượt trội hơn 4 lần VN-Index từ 2020 đến nay.

Giá cổ phiếu nhóm ngành này thể hiện rất rõ câu chuyện tăng trưởng của mình – bất chấp lo ngại về cung cổ phiếu ngân hàng quá lớn khiến nhóm này khó tăng trưởng tốt khi thị trường chưa vào xu hướng tăng lớn (thường gần cuối giai đoạn tăng trưởng). Trong con đường tăng trưởng đi lên thì nhóm này cũng trải qua 2 đợt điều chỉnh lớn do Covid – hay khủng hoảng TPDN tạo ra tính chu kỳ, nhưng các đợt điều chỉnh này cũng thường kéo vài 2-4 quý rồi sau đó trở lại chủ đề tăng trưởng chính.

Như vậy, rõ ràng giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường phản ánh tương đối chính xác tính chất và yếu tố cơ bản của ngành ngân hàng Việt Nam là sự kết hợp của tăng trưởng và chu kỳ, trong đó tính tăng trưởng là chủ đạo – bất chấp nhiều lo ngại quá lớn về tính chu kỳ và cung cổ phiếu lớn.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao 8% trong 2025 và trên 10% trong 5 năm sau đó. Trong đó, ngân hàng tiếp tục là kênh vốn chính của nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng có thể trên 16% trong 2025 và 18-20% trong 2026-2030. Điều này tạo ra câu chuyện tăng trưởng tín dụng và tài sản mạnh mẽ cho ngành này cao hơn 5 năm vừa qua.

Qua đó, tạo điều kiện cho lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng trưởng cao từ đây đến 2030, giúp cổ phiếu ngân hàng xác suất cao sẽ tiếp tục là các cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button