Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất thông qua công nghệ
Chuyển đổi số là để nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới trong xã hội số hoá, với 2 cấp độ là chuyển đổi phương thức sản xuất và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Trong khuôn khổ của dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty TNHH CADDI Vietnam vừa tổ chức chương trình Hội thảo “Tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp sản xuất thông qua ứng dụng giải pháp giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực bằng công nghệ”.
Chương trình được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp các nhà quản lý doanh nghiệp lựa chọn giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hiệu quả trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với số lượng gia tăng các lựa chọn tích hợp, đồng thời phải gắn kèm với mục tiêu kinh doanh và phù hợp ngân sách…
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện trưởng, Phụ trách điều hành Viện Tin học Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thực tế trên thế giới chuyển đổi số trong ngành sản xuất đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Việc áp dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến mang lại các lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp trên nhiều phương diện, thay đổi về tư duy nhân sự lao động và giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực.
Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá… Bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế đầu tư phát triển công nghệ số trong ngành sản xuất, để chuyển đổi số đi vào trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí. Chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ ngày càng có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam nhận định, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Trong khi đó, nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số thực chất là một công cuộc thay đổi mang tính cách mạng, do đó, nếu không có nhận thức sâu sắc thì không thể làm được”, TS Trần Quý nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, đối với quốc gia, chuyển đổi số để xây dựng quốc gia số trong đó ba trụ cột chính: Chính phủ số, Xã hội số, Nền kinh tế số.
Với Xã hội, chuyển đổi số là để xây dựng xã hội số trong đó ba trụ cốt chính: Công dân số, Đời sống số, Văn hoá số.
Với Doanh nghiệp, chuyển đổi số là để nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới trong xã hội số hoá, với 2 cấp độ là chuyển đổi phương thức sản xuất và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Vị chuyên gia đồng thời đã chia sẻ về Chiến lược của doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh khủng hoảng, biến động toàn cầu (thế giới BANI), nhu cầu chuyển đối số và ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản trị sản xuất.
Cũng tại hội nghị, chuyên gia đến từ Nhật Bản: ông Takei Daisuke, Tổng Giám đốc CADDI Vietnam đã trình bày về mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp Kỳ lân Nhật Bản – Kết nối các giải pháp sản xuất và công nghệ để giải phóng tiềm năng của ngành sản xuất.
Để cụ thể hóa hơn bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Shigemoto Fujikura, Phó Chủ tịch Công nghệ CADDI Vietnam, đã giới thiệu đến toàn thể hội nghị giải pháp thực tiễn CADDi Drawer hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong suốt quá trình thiết kế, mua sắm và sản xuất.
Với chủ đề “Đánh giá thực tế hiệu quả và những rào cản, khó khăn thường gặp khi ứng dụng giải pháp giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực bằng công nghệ của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam – Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản” tại phiên tọa đàm, các diễn giả cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm của ngành sản xuất nói chung và ngành cơ khí chế tạo nói riêng. Các chuyên gia đã dành thời gian lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Các chuyên gia nhận định cần tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng như: Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành sản xuất; Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành sản xuất và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành sản xuất, nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hiệu quả trước thời kỳ bùng nổ công nghệ…
Sự kiện này là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời nâng cao vai trò của doanh nghiệp với các định hướng phát triển công nghệ thông tin theo xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của đất nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn