Tăng mức phạt nồng độ cồn: Cảnh báo cho những ai “say xỉn” khi lái xe
Nghị định 168/2024 tăng mạnh mức phạt vi phạm nồng độ cồn, áp dụng cho cả ô tô và xe máy, nhằm nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn giao thông.
Khi “ma men” tham gia giao thông
Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn đang là hồi chuông cảnh báo nhức nhối cho toàn xã hội. Điển hình, vào khoảng 14 giờ ngày 31/12/2024, tại Km 0+200 trên đường tỉnh 392 (H.Bình Giang, Hải Dương), một ô tô mang biển số 34A-707.XX do ông V.Đ.H. điều khiển đã lao thẳng vào rạp đám tang dựng trên lòng đường. Sự việc khiến 5 người bị thương phải nhập viện. Đáng chú ý, cơ quan chức năng xác định ông V.Đ.H. đã vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc xử lý các hành vi này.
Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 11/12/2024 tại Lâm Đồng cũng khiến dư luận không khỏi xót xa. Hai thiếu niên 14 tuổi, sau khi uống rượu, đã tự tông xe máy vào trụ điện ven đường. Hậu quả, một em tử vong, em còn lại bị thương nặng. Kết quả kiểm tra cho thấy cả hai đều có nồng độ cồn trong máu, lần lượt là 0,5 mg/l và 0,19 mg/l.
Những con số từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia càng làm rõ thêm mức độ nghiêm trọng. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 16.043 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.077 người và bị thương 12.248 người. Đáng lo ngại, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong có liên quan đến rượu bia. Trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Vào ngày đầu tiên của năm mới 2025, Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5, cho biết lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý gần 3.000 tài xế “ma men”. Điều này cho thấy việc xử lý vi phạm cần được duy trì nghiêm minh, không ngoại lệ, đặc biệt trong những dịp lễ, tết khi tình trạng sử dụng rượu bia gia tăng.
“Liều thuốc đắng” nhưng cần thiết
Trước những hệ lụy nghiêm trọng từ việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn thông qua Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là bước tiếp nối hoàn thiện từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhằm nâng cao ý thức của người dân và giảm thiểu tai nạn.
Cụ thể, mức phạt đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở là từ 18-20 triệu đồng, tăng so với mức cũ là 16-18 triệu đồng. Đối với xe máy, mức phạt dao động từ 6-10 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm. Đặc biệt, những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, tăng đáng kể so với mức cũ là 6-8 triệu đồng.
Những mức phạt hàng chục triệu đồng này được ví như “liều thuốc đắng” nhưng mang tính răn đe mạnh mẽ, tác động trực tiếp vào tài chính người vi phạm. Thực tế cho thấy, nhiều người sau khi bị xử phạt đã thay đổi nhận thức, coi việc “đã uống rượu bia thì không lái xe” như một phần của văn hóa giao thông hiện đại.
Nghị định 168 không chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao ý thức mà còn thúc đẩy tính thượng tôn pháp luật. Khi các vi phạm được xử lý nghiêm minh, không ngoại lệ, thói quen tuân thủ pháp luật giao thông dần được hình thành, góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, việc tăng mức phạt là chưa đủ. Cần thêm các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, kết hợp với các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt. Quan trọng hơn, ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông cần được xây dựng từ sớm, nhằm tạo ra một nền tảng bền vững cho xã hội an toàn, văn minh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp