Tăng cường xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao
Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2022, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu điện tử và điện thoại đã phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thay vì xuất khẩu nông sản và nguyên liệu thô, Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Xuất khẩu điện tử tăng trưởng mạnh mẽ
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Giá trị xuất khẩu của các sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc tăng trong giai đoạn từ năm 2016-2022 tăng trưởng lần lượt là 193%, 68% và 336%.
Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam, vượt qua dệt may.
Đặc biệt trong 8 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Công nghiệp điện tử chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó, nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display…
Mới đây, Apple công bố đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Cùng với đó, Google cũng cho biết Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường tiềm năng được công ty này cân nhắc đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao như điện tử, máy tính, điện thoại phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI. Tỷ trọng xuất khẩu của FDI chiếm đến 61%, còn lại 39% là của DN tư nhân, DN nhà nước.
Tỷ lệ phụ thuộc xuất khẩu điện tử vào các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh ngày càng nghiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam. J.P Morgan ước tính đến năm 2025, Apple sẽ chuyển 65% tỷ lệ sản xuất AirPod, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% MacBook sang Việt Nam.
Đến năm 2025, Intel cũng đang mở rộng giai đoạn thứ hai của nhà máy kiểm định vi mạch tại TP.HCM với khoản đầu tư lớn lên tới 4 tỷ USD. Các công ty Mỹ khác như Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và DN, cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các DN trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các DN; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.
Hơn nữa, theo Bộ Công Thương, Việt Nam cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới; Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình chính kinh tế, chính trị trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)