Tăng cường hợp tác giữa VCCI và ILO

Vừa qua, tại trụ sở VCCI Hà Nội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc gặp nhằm tăng cường  hợp tác giữa VCCI và ILO, đặc biệt là thúc đẩy trong lĩnh vực lao động việc làm.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI và ILO

Bà Chihoko Asada-Miyakawa đánh giá cao các chương trình hợp tác hiệu quả giữa ILO với VCCI và cho rằng, những nỗ lực của VCCI trong thời gian qua trong việc thúc đẩy việc thực thi các cam kết quốc tế đã góp phần đẩy mạnh những ưu tiên liên quan đến vấn đề lao động và chính sách xã hội.

Thời gian tới, theo Giám đốc ILO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong việc phát triển các kỹ năng cho người lao động trong doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19. Đồng thời, GIám đốc ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng cho rằng, Việt Nam đã ký kết FTA với nhiều khu vực và các nền kinh tế lớn, đây sẽ là là cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện chất lượng lao động trong doanh nghiệp, từ đó tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng chung nhận định với Giám đốc ILO khu vực châu Á- Thái Binh Dương, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, sự hỗ trợ và tư vấn chính sách, nâng cao năng lực và hợp tác kỹ thuật của ILO không chỉ có ý nghĩa với các thành viên VCCI, mà còn với cả cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp tục đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, tăng cường phát triển kỹ năng và thúc đẩy đối thoại giữa các cấp, ngành nghề và doanh nghiệp.

Một số dự án hợp tác giữa VCCI và ILO về đào tạo kỹ năng mềm cho lao động trong DN như Chương trình “Better Work”, “In Business Soft Skill” … trong những năm qua đã được triển khai tới nhiều doanh nghiệp và nhận được sự đánh giá cao về hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Phạm Tấn Công đề xuất ILO tiếp tục hỗ trợ VCCI trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân, thúc đẩy việc làm thỏa đáng và thực hành lao động có trách nhiệm khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, nâng cao năng lực của người sử dụng lao động trong đối thoại xã hội để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

VCCI hiện đang tập hợp ý kiến doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Chủ tịch VCCI mong muốn ILO hỗ trợ trong việc thực hiện quá trình này.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch VCCI, hiện nay 4 tỉnh, thành phố bao gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng và sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông, logistics phát triển bậc nhất Việt Nam, liên kết với trục cao tốc phía Đông và có các sân bay quốc tế và cảng biển thuận lợi hàng đầu Việt Nam. Bởi vậy, đây được đánh giá có nhiều triển vọng trở thành 1 cực tăng trưởng kinh tế ở phía Bắc Việt Nam. Cùng với nguồn nhân lực lao động dồi dào, các tỉnh, thành này sẽ là khu vực thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư trong tương lai.

Chủ tịch VCCI đề nghị, ILO phối hợp cùng VCCI tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ về nâng cao kỹ năng nghề, đối thoại xã hội và các vấn đề lao động khác để cải thiện năng lực lao động trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sáng kiển của VCCI về kết nối 4 tỉnh nhiều tiềm năng này.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button