Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Ngày 22/1/2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Theo phong tục cổ truyền của Việt Nam và một số nước châu Á, Tết Nguyên đán được xem là lễ tiết quan trọng bậc nhất và thiêng liêng nhất trong năm. Tết được tính theo âm lịch, là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Các đại biểu thực hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Ở nước ta, Tết thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới. Trong những ngày này, mọi công việc đều được tạm gác lại, nhà nhà đều hân hoan háo hức đi chợ tết, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cho việc cúng tế các vị thần linh và tổ tiên, sum họp nghỉ ngơi, thăm hỏi chúc tụng người thân, du xuân đầu năm… Tất cả mọi người đều mong cầu, chào đón một năm mới sẽ đến với những điều tốt đẹp, may mắn, bình an và thịnh vượng.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Chương trình giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: Tết Nguyên đán là Lễ tiết truyền thống lớn nhất và thiêng liêng liêng nhất trong năm của dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới với biết bao niềm vui và hy vọng. Đây là một trong những lễ tiết có nhiều phong tục độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Việt trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, tại mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, văn hóa tết Nguyên đán lại càng phong phú và đặc sắc, nơi đây là sự hội tụ và giao thoa giữa nền văn hóa cung đình và văn hóa dân gian truyền thống.

Nhằm phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cung đình, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội thường niên tổ chức các Chương trình tái hiện các phong tục tết Nguyên đán dân gian truyền thống và sân khấu hóa các nghi lễ tết cung đình.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Các đại biểu thực hiện nghi lễ thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng thành kính với các Táo quân. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các gia đình thực hiện nghi lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời, cầu mong sự bình an, thịnh vượng cho quốc gia và gia đình vào năm mới.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cung cho biết thêm, các nghi lễ tống cựu nghinh tân, khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phất thức, phong ấn, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ dựng nêu… Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng.

“Việc nghiên cứu, tái hiện nghi lễ cung đình ngày Tết cổ truyền tại Hoàng thành Thăng Long cần được phát huy, để khơi gợi những mạch nguồn văn hóa truyền thống, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đương đại, từ đó khích lệ sự quan tâm của du khách và các bạn trẻ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc” – PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dựng cây nêu. Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau lễ tiễn ông Táo về trời, và hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết.

Đại diện của UNESCO – ông Jonathan Baker chia sẻ: Lễ “Tống cựu nghinh tân” thực sự là một nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của người Việt bởi lễ hội là khởi đầu một mùa Lễ hội Tết nguyên đán của Việt Nam, giúp thắt chặt hơn sự gắn kết với tổ tiên và nhắc chúng ta về những phong tục truyền thống chào năm mới. Kể từ 2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 đã chính thức ghi nhận ngày Tết nguyên đán là ngày lễ của Liên hợp quốc. Trước đó, vào tháng 8 năm 2023, Việt Nam và 11 quốc gia khác đã cùng nhau đề nghị Liên hợp quốc ghi danh ngày Tết nguyên đán. Kết quả này khẳng định sự cam kết chung của Liên hợp quốc với sự đa dạng và bao trùm của di sản văn hoá.

Năm Ất Tỵ, chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1/2025 (Mùng 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 6/2/2025 (Mùng 9 Tháng Giêng năm Ất Tỵ) bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc như: Trưng bày không gian “Tết xưa – Tết thời bao cấp (từ ngày 20/1), tái hiện Tết truyền thống của người Việt Nam ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX; không gian trưng bày “Nghi lễ tết cung đình ngày xuân” diễn ra tại khu nhà N14 vào ngày 20/1; Các chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách vào các ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 và mùng 5 Tết (Tức ngày 30,31/1/2025 và ngày 1,2/2/2025).

PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button