Tài chính xanh và kinh tế số: Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bên cạnh các yếu tố quan trọng như đầu tư công, FDI, xuất khẩu, thì tài chính xanh và kinh tế số là hai cực mới nhất có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Cần làm rõ thực trạng nền kinh tế
Điểm hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023 là trong khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam lại đi ngược với xu hướng này và cáng đáng nhiều mục tiêu, từ lạm phát, tỷ giá đến tín dụng,…
Tuy nhiên, nền kinh tế liên tục thiếu tiền là một vấn đề được nhắc đến thường xuyên trong năm nay, bởi vì tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 5-6%. Mà theo nguyên lý, tăng trưởng kinh tế 5% cộng với lạm phát 4%, thì tổng phương tiện thanh toán phải tăng ít nhất 9 – 10%.
Theo tôi nhìn nhận, nguyên nhân sâu xa là chúng ta còn 1 triệu tỷ đồng của ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư công và các kế hoạch của ngân sách không bơm ra được nền kinh tế. Nếu vấn đề này thực sự được giải tỏa, thì chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ không dừng ở mức tăng trưởng 5% và doanh nghiệp cũng bớt khó khăn hơn rất nhiều.
Gần về những tháng cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi rõ nét, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng hoá nông sản vẫn xuất khẩu mạnh. Chính điểm tích cực này đã giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có thặng dư, từ đó hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá giảm bớt áp lực. Nhưng sang năm 2024 và thời gian tiếp theo, hoạt động xuất khẩu của chúng ta sẽ có những thách thức nhất định, bởi các vấn đề về thuế carbon, đến môi trường, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Một vấn đề quan trọng là nhìn theo chuỗi thời gian từ quý III, quý IV/2022 và trước đó nữa là giai đoạn ngay sau đại dịch Covid-19, tất cả các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng kiệt quệ. Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, nhưng các chính sách giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất,… được thực hiện rất nhanh, còn các chính sách trợ giúp thì cần phải rà soát lại. Cụ thể các doanh nghiệp đã được hỗ trợ những gì, người khó khăn, yếu thế được nhận trợ giúp đến đâu. Điều này có liên quan trực tiếp đến chỉ số tiêu dùng nội địa của chúng ta, bởi vì tổng mức bán lẻ hàng hóa năm nay tăng trưởng rất thấp sau khi đã loại trừ phần giá cả hàng hóa.
Trên thực tế, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng cùng với sự điều chỉnh của một số mặt hàng Nhà nước quản lý, làm cho chi phí sinh hoạt của người dân tăng lên. Chúng ta đã nhìn thấy bức tranh ảm đạm của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, điển hình là nhiều gian hàng ở nhiều mặt phố lớn bị đóng cửa. Tôi cho rằng, muốn điều hành và đưa ra được giải pháp trúng thực tế, thì cần phải có cuộc điều tra khảo sát thực trạng doanh nghiệp và mức tiêu tiền cũng như đời sống của người dân, để từ đó có bức tranh toàn cảnh từ vi mô nhìn lên vĩ mô, thì các giải pháp mới có thể đi vào cuộc sống.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng
Hết năm 2023 này, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần kiểm toán, đánh giá lại tất cả các chương trình đã hoạch định để hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế thông qua các đo lường thực tế.
Việc kiểm toán chính sách là rất quan trọng, khi chúng ta lượng hóa được mục tiêu cụ thể thì Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, tạo ra động lực và niềm tin cho doanh nghiệp, người dân tăng cao hơn.
Về động lực tăng trưởng cho năm 2024 từ góc nhìn tài chính, tôi cho rằng: Thứ nhất, phải đến từ đầu tư công dẫn dắt, vì hiện nay tiền còn rất nhiều chưa chi ra được. Vì vậy, làm sao để đầu tư công có thể lan tỏa đến doanh nghiệp tốt nhất. Trong đó, chính sách đấu thầu phải cải tiến, ưu tiên cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt những doanh nghiệp nào đã thực hiện các chuẩn mực xanh, quản trị ESG phải được chấm điểm cao hơn trong đấu thầu, nhằm định hướng dài hơi hơn cho phát triển bền vững.
Thứ hai, là từ FDI, phải tìm được các đối tác đầu tư chất lượng, công nghệ cao, có tính chất lan toả cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị đủ nội lực cho doanh nghiệp trong nước, đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng quản trị,… đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, là động lực từ xuất khẩu. Nếu EU, Mỹ hoặc Trung Quốc có thể lấy lại được đà tăng trưởng tốt hơn thì rõ ràng nhu cầu từ nước ngoài sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là những chính sách an sinh xã hội để kích cầu trong nước, mới có thể tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2024.
Thứ tư, một động lực mới từ góc độ tài chính đó là các dòng tài chính xanh mà rất nhiều định chế quốc tế đã cam kết. Để hút được dòng vốn này thì Việt Nam cần xây dựng định chế đầu mối, có chuyên gia thẩm định dự án hỗ trợ cho việc thu hút vốn vào Việt Nam.
Điểm đáng chú ý là kinh tế số Việt Nam dù đi sau nhưng lại đang có thế mạnh nhất định. Tuy nhiên thể chế của chúng ta vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho các câu chuyện đối mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp trẻ phát triển các app hỗ trợ giao dịch thuận lợi hơn và mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế. Có thể nói, tài chính xanh và kinh tế số là hai cực mới nhất có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong giai đoạn tới.