Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (Kỳ 1): Dự báo và thích ứng

Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng dự báo, quản trị rủi ro và xây dựng một kế hoạch tài chính phải dựa vào những đánh giá về chu kỳ nền kinh tế và của ngành…

Chủ động nhận diện, dự báo

Trong thế giới VUCA ngày nay, việc dự báo các biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro quốc gia luôn đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng còn rất nhiều tồn tại, với khả năng chống chịu sinh tồn hoặc là tính linh hoạt, khả năng thích nghi trước các biến động bất thường lớn hay cú sốc từ môi trường kinh doanh bên ngoài của phần lớn còn hạn chế. Năng lực nội sinh về trình độ quản trị, quản lý, nguồn lực vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, quy mô tổ chức, thị trường; đồng thời năng lực, vị thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế của nhiều doanh nghiệp chưa cao, vẫn cần phải tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (Kỳ 1): Dự báo và thích ứng

Với các tác động “cơn gió ngược” từ môi trường bên ngoài, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ phát sinh từ sự yếu kém và bất cập của nội tại nền kinh tế và thử thách năng lực thích ứng của doanh nghiệp. Ảnh: Hùng Phi

Trong điều kiện môi trường kinh doanh đầy biến động, khó lường và có rất nhiều yếu tố rủi ro bất lợi tác động tiêu cực, đến sự sinh tồn và phát triển thì trước hết các doanh nghiệp không có cách nào khác, là phải từng bước nâng cao khả năng, năng lực nội sinh để củng cố nền tảng vững chắc, tăng khả năng thích nghi và năng lực chống chịu, tự cường, bình tĩnh vượt qua khó khăn, thách thức nhằm tiếp tục duy trì động lực thúc đẩy phát triển kinh doanh ổn định và bền vững.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong hoạt động kinh doanh việc thường xuyên phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo xu hướng tình hình kinh tế trong nước và diễn biến quốc tế, là một vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết đối với từng doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có thể phân tích, đánh giá những nhân tố trọng yếu tác động tích cực và tiêu cực, các thách thức và cơ hội để có thể chủ động điều chỉnh chiến lược, sách lược và kế hoạch kinh doanh trong cuối năm 2023, và năm 2024 cho phù hợp. Những kế hoạch đảm bảo việc nhanh chóng phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid–19, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục duy trì động lực phát triển của doanh nghiệp, được xem như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro vĩ mô quốc gia có thể có.

Thích ứng chủ động, linh hoạt sáng tạo

Trước các khó khăn, thách thức và biến động khó lường của môi trường kinh doanh quốc tế và trong nước, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần phải năng động và sáng tạo theo dõi sát sao diễn biến của tình hình, thích ứng linh hoạt trước những yếu tố tác động bất ổn khách quan của nền kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro vĩ mô có thể có cả trước mắt và lâu dài.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở rất lớn, đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do FTAs. Trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP), cho phép tiếp cận với hơn 55 thị trường, với 15 thị trường thuộc khối G20, nhưng khả năng và sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn rất hạn chế, trong khi sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản chứa còn đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Chính phủ đã xác định tình hình kinh tế của chúng ta còn rất nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước. Các khó khăn, thách thức có thể còn nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Vì thế, các doanh nghiệp chúng ta cần phải chú trọng việc nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá và dự báo tình hình biến động quốc tế và các yếu tố ảnh hưởng rủi ro vĩ mô quốc gia có thể có, nhằm xây dựng một hệ thống nhận diện rủi ro, quản trị các yếu tố rủi ro và có cơ chế cảnh báo từ xa và sớm các yếu tố biến động bất thường, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động hết sức phức tạp, khó lường và những vấn đề rủi ro nhạy cảm của kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình bất định đó, các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt, thích nghi với các tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh bên ngoài, phát huy tinh thần tự cường vượt khó khăn; đồng thời nỗ lực sáng tạo, nắm bắt cơ hội phát triển trong điều kiện khó khăn, thách thức. Chú trọng việc mở rộng phát triển thị trường nội địa; đồng thời từng bước mở rộng và đa dạng hóa các thị trường quốc tế tiềm năng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Sự phát triển thương hiệu phải đi kèm với việc tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu thương hiệu, các chính sách bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật sản phẩm, tranh chấp khởi kiện phá giá hàng hóa sản phẩm, và quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Quản trị các yếu tố rủi ro, hướng đến phát triển hiệu quả và bền vững

Đứng trên góc độ nhà quản trị chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp cần thiết thường xuyên chú trọng việc nghiên cứu, đánh giá và nhận diện được những yếu tố rủi ro liên quan đến hoạt động của ngành kinh tế mà doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh, tình trạng sức khỏe tài chính, các chính sách quản trị rủi ro tài chính và hiện trạng công tác quản lý và vận hành hoạt động của doanh nghiệp.

Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (Kỳ 1): Dự báo và thích ứng
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings – tác giả

Rủi ro ngành kinh tế, được hiểu là cách thức và đặc điểm của ngành kinh tế ảnh hưởng tới từng loại hình doanh nghiệp trong ngành nghề đó, cũng như ngành kinh tế đang ở giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế ngành. Rủi ro ngành bao gồm sự suy thoái của ngành, sự thay đổi các chính sách của chính phủ liên quan đến ngành nghề đó, sự biến động của ngành nghề đó trong nền kinh tế toàn cầu, chu kỳ kinh doanh của ngành nghề đó, sự lỗi thời của sản phẩm do, xu hướng thay đổi về sở thích và tâm lý tiêu dùng, thay đổi công nghệ, cũng như những rào cản gia nhập ngành, hoặc là gia tăng sự cạnh tranh khi có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đó.

Chúng tôi nhận thấy rằng, một doanh nghiệp có rủi ro kinh doanh thấp là doanh nghiệp có khả năng tạo ra dòng tiền tốt để có thể phát triển ổn định và vượt qua các chu kỳ của ngành và các biến động bất lợi của nền kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu. Mỗi ngành kinh tế đều có những yếu tố quan trọng đặc trưng và có chìa khóa thành công, để có thể xác định người chiến thắng và người thua cuộc trên thương trường. Vì vậy, sự thích ứng của chiến lược, sách lược cạnh tranh và kế hoạch phát triển, trong từng hoàn cảnh môi trường cạnh tranh, điều kiện cạnh tranh thị trường và hoàn cảnh doanh nghiệp sẽ góp phần cho sự thành công của doanh nghiệp.

Để có được điều này, doanh nghiệp cần hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của chính bản thân mình. Bằng cách phân tích các rủi ro vĩ mô và ngành, giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ những yếu tố vĩ mô nào, ví dụ như tỷ giá, giá nguyên vật liệu, hay lãi suất đang tác động mạnh trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bằng cách phân tích những lợi thế cạnh tranh trong ngành, doanh nghiệp nhận thức được lợi thế về giá hay sự khác biệt trong sản phẩm. Doanh nghiệp cũng hiểu rõ hơn, những yếu tố nào đóng vai trò quan trọng, để thành công trong lĩnh vực mà mình đang hoạt động.

Cuối cùng là cách doanh nghiệp tạo ra một kế hoạch kinh doanh phù hợp, dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu và các yếu tố lợi thế cạnh tranh của tổ chức, để có thể chịu đựng được những cú sốc của nền kinh tế và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Liên quan đến rủi ro hoạt động kinh doanh, tùy thuộc chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm những chiến lược mở rộng theo chiều dọc (mở rộng chuỗi giá trị, giúp tăng hiệu quả về quy mô và tiết kiệm chi phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận), hoặc theo chiều ngang (mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu tác động của chu kỳ), hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra những nền tảng thu hút và gắn kết người dùng. Ngoài những chiến lược mang tính chất định vị, doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược liên quan đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Liên quan đến tình hình tài chính, doanh nghiệp cũng cần hoạch định chiến lược tài chính của mình một cách rõ ràng và minh bạch, dựa trên đặc điểm dòng tiền vào của doanh nghiệp. Một số quan điểm trên thị trường thường cho rằng, một doanh nghiệp có đòn bẩy thấp là một doanh nghiệp an toàn, và một doanh nghiệp có đòn bẩy cao chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đòn bẩy của doanh nghiệp dưới góc độ dòng tiền, tức là so sánh dòng tiền vào với các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh nhiều biến động, thì mức độ vay nợ nên ở mức thấp, và ngược lại, một doanh nghiệp có đặc tính dòng tiền ổn định và có thể dự báo được, thì hoàn toàn có thể sử dụng đòn bẩy ở mức độ cao hơn.

Kế hoạch tài chính còn phải dựa vào những đánh giá về chu kỳ nền kinh tế và của ngành. Ví dụ, đối với một doanh nghiệp sản xuất và bất động sản, thông thường có đòn bẩy hoạt động lớn, khi chu kỳ của ngành và nền kinh tế đi lên, doanh nghiệp sẽ có tăng trưởng lợi nhuận và dòng tiền rất ấn tượng. Tuy nhiên, khi chu kỳ kinh tế đi xuống, khả năng thua lỗ sẽ rất cao do cơ cấu chi phí cố định lớn. Những doanh nghiệp như vậy có thể tăng đòn bẩy tài chính khi chu kỳ đi lên, nhưng cần phải nhanh chóng giảm đòn bẩy khi kinh tế bắt đầu suy thoái.

Doanh nghiệp cũng cần thiết phải chủ động chuẩn bị những nguồn thanh khoản có thể huy động trong tình thế khẩn cấp trong ngắn hạn. Nguồn thanh khoản này, có thể đến từ tiền và các loại chứng khoán có tính thanh khoản cao, hoặc là sự hỗ trợ từ cổ đông, công ty mẹ, và các hạn mức tín dụng ngân hàng có cam kết và có thể sử dụng một cách dễ dàng khi cần đến. Đây là những nguồn tiền rất quan trọng và cần thiết dự phòng trong trường hợp doanh nghiệp đột ngột bị rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

Kỳ 2: Tín nhiệm và thu hút đầu tư

Bài Viết Liên Quan

Back to top button