TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Thuế và chuyện tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh
Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Dư địa tài khóa, hỗ trợ thanh khoản
Đây là thông tin rất tích cực đối với doanh nghiệp và người dân, đặt trong bối cảnh “tiền khôn của khó”, khi lãi suất – giá của tiền của tuy đã hạ, nhưng thực chất đồng tiền không còn rẻ và việc đầu tư kinh doanh ngày càng ít thuận lợi, khả năng tăng thu nhập của người dân bị thu hẹp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, ở góc độ tài chính, gia hạn thuế có tác dụng kép vừa là giảm chi phí cơ hội vừa là giúp doanh nghiệp người dân có thể sử dụng nguồn vốn (thay vì nộp thuế), bổ sung dòng tiền cho mục đích, nhu cầu của mình trong thời gian được gia hạn.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết tổng số thuế giá trị gia tăng được gia hạn là khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, là số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn ước khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng; số tiền thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỷ đồng; số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng…Tức sẽ có tổng từng đó tiền hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn (lưu ý là hỗ trợ, không phải “bơm” thêm” cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, người dân).
Ở góc độ tâm lý xã hội và hành vi tiêu dùng, điều này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền đầu tư sản xuất, tăng chi tiêu tiêu dùng tốt hơn.
Kích thích chi tiêu, tăng trưởng
Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy mạnh hơn nữa các tác động chính sách, mà lúc này công cụ tài khóa – thuế vẫn được xem là có dư địa và hữu hiệu, thay cho dư địa tuy còn nhưng hẹp của tiền tệ, rất cần được phát huy. Và việc phát huy cũng đồng nghĩa cần nới rộng thêm yếu tố của các chính sách, công cụ thuế.
Chẳng hạn như rất nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng được Chính phủ xem xét về vấn đề áp giảm thuế giá trị gia tăng như chính sách năm 2022 (8%). Theo đó, nếu được giảm thuế giá trị gia tăng, điều này sẽ đòn bẩy kích thích sức mua đáng kể khi cùng một đồng tiền người dân có thể có được nhiều hàng hóa hơn. Trong lúc mà xuất khẩu đang suy yếu vì thiếu đơn hàng, đầu tư công cần thời gian để giải ngân và lan tỏa, thì chi tiêu tiêu dùng nội địa là trụ cột rất quan trọng và kích thích được trụ cột này thì khả năng giữ vững đà tăng trưởng, đạt chỉ tiêu như Quốc hội đề ra sẽ rất cao.
Bên cạnh câu chuyện gia hạn thuế, chúng ta cũng tiếp tục được nghe những khó khăn và thách thức trong tăng trưởng của TP HCM, nơi chiếm khoảng 10% dân số cả nước, theo thống kê chính thức là trên 9 triệu người, còn thống kê cả lực lượng lao động không tạm trú có thể lên 10-12 triệu người nhưng thực tế ước tính còn cao hơn 14-15 triệu người. TP HCM cũng là nơi tập trung có khoảng ⅓ doanh nghiệp / tổng doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động.
Chúng ta lưu ý rằng dân số của TP HCM là trong thời kỳ dân số vàng với 75,5% dân số đang ở trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động theo ngành nghề ở TP HCM tập trung ở khu vực dịch vụ (khu vực III) rất cao (51,9% vào 2021), ở khu vực công nghiệp – xây dựng là 41,3% và ở khu vực nông lâm ngư nghiệp đã gần như không còn đáng kể.
Đặt trong bối cảnh năm 2022, khi dịch vụ của TP HCM tuy đã phục hồi nhưng chưa thể như trước đại dịch (chúng ta đơn giản có thể nhìn thấy điều này bằng mắt thường ở hàng loạt các mặt bằng bán lẻ bị đóng băng không tìm được khách thuê, hàng bán chợ búa thưa thớt hơn hẳn so với sự sôi động của giai đoạn trước đây), thì rõ ràng thương mại – dịch vụ của TP phần nào đang gặp khó khăn.
Trung tâm Mô phỏng kinh tế – xã hội (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM), dự báo quý II, kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi thị trường bất động sản, tài chính, lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tăng trưởng năm 8% khó khả thi. Do đó, TP HCM hiện đang đặt mục tiêu để đạt tăng trưởng 7,5%.
Nhìn lại khu vực thu hút tỷ lệ lao động cao và ổn định những năm trước đây cho đến 2021 tại TP HCM, vẫn là khu vực II; nhưng từ 2022 lại bị phụ thuộc vào thị trường bất động sản gần như suy thoái, đình trệ (một trong những nguyên nhân được cho dẫn đến tăng trưởng kinh tế của TP HCM giảm mạnh trong quý I/2023). Khi lao động ở khu vực này gặp khó, tất yếu một lượng lớn người lao động trực tiếp và cả người dân, nhà đầu tư đều có thu nhập giảm, dẫn đến chi tiêu giảm.
Rõ ràng, bên cạnh các động lực được kỳ vọng sẽ giải khó cho TP HCM như các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, nỗ lực rà soát pháp lý các dự án để sớm vực dậy thị trường, thì việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chung cho toàn nền kinh tế là một cơ hội cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân. Song, từ câu chuyện của TP HCM, lại vẫn thấy rất cần có thêm sự kích thích sức mua, chi tiêu của người dân một cách mạnh mẽ hơn.