Tái cấu trúc kinh tế và củng cố nội lực
Chủ động và bình tĩnh ứng phó với chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ để biến thách thức thành cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế, rà soát nội lực, tập trung xây dựng sản phẩm thương hiệu Việt Nam.
Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết: trước mắt, cần phát huy nền tảng tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm cho các quý tiếp theo nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng chung cả năm. Trong đó, tập trung thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa – vốn là các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính).
– Theo bà kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế thời gian qua đến từ trụ cột nào?
Trong quý 1, tăng trưởng kinh tế đạt 6,93% là kết quả tích cực so với các nước trong khu vực và không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế với sự đóng góp hiệu quả của các ngành kinh tế trọng điểm. Cụ thể, khu vực nông lâm thuỷ sản đạt mức tăng 3,7% là mức tăng ở kịch bản tăng trưởng cao; khu vực công nghiệp và xây dựng tuy chưa đạt mức cao như trên nhưng tiếp tục đóng góp quan trọng với tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 9.8%; sản xuất chất thải và cung cấp nước tăng 8,8%…
Khu vực dịch vụ tiến sát đến mục tiêu tăng trưởng cao với con số ấn tượng: khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 đạt hơn 6 triệu người. Đây là mức cao nhất trong các quý 1 những năm gần đây. Hiệu ứng tạo ra tăng trưởng cho các hoạt động dịch vụ thị trường có liên quan như ngành vận tải tăng đến 9,9%; ngành dịch vụ ăn uống tăng đến 9,8%…
Về phía cầu, điểm sáng là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 202 tỷ USD với mức xuất siêu là hơn 3,15 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội có mức tăng khá ấn tượng với tăng trưởng là 8.3% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng cao trên 29% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, những thách thức đã và đang nhận diện đang chờ những giải pháp từ thực tế.

Tăng trưởng GDP quý 1/2025 của Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý 1 của các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nguồn: Cục Thống kê (Bộ Tài chính)
– Những thách thức đã được nhận diện sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng trong những tháng tới, thưa bà?
Thách thức trong thời gian tới nhìn thấy rất rõ là cầu quốc tế suy giảm sau chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ với nhiều quốc gia trên thế giới trong khi cầu trong nước chưa phục hồi như trước đại dịch. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% như đã đề ra, những quý tiếp theo chúng ta phải tăng trưởng 8.3%. Đây là con số thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất ổn.
Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, tôi cho rằng đây là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững và xanh, rà soát nội lực, từ đó tập trung xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được doanh nghiệp làm chủ từ nguyên liệu đầu vào, tăng đầu tư cho R&D, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ đến thị trường đầu ra. Đây vốn là mong muốn và trăn trở của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp trong việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm Việt. Thời điểm này chính là để bứt phá, hiện thực hoá mong muốn trên.
– Bà vừa đề cập đến con số tăng trưởng 8% của năm 2025, đâu là động lực tăng trưởng để hoàn thành mục tiêu đã đề ra và tạo nền tảng cho sự bứt phá trong những năm tới?
Ngoài xuất khẩu, nền kinh tế còn có các động lực tăng trưởng khác cần được tập trung thúc đẩy. Trước hết là giải ngân đầu tư công cần được quyết liệt thực hiện. Vốn đầu tư công tạo năng lực và nguồn lực cho sản xuất cả trước mắt và lâu dài. Chính phủ quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ hai, khai thác tối đa và hiệu quả thị trường nội địa với dân số hơn 100 triệu người đang được hỗ trợ bởi chính sách giảm thuế VAT cùng các chính sách thương mại khác nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp cần tập trung tiếp cận người tiêu dùng bằng con đường ngắn và hiệu quả nhất. Khi cầu thị trường trong nước được cải thiện sẽ góp phần giảm áp lực đối với doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra và kích thích sản xuất.
Cuối cùng là xuất khẩu. Để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ cần khai thác tối đa các thị trường tiềm năng khác từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để vừa mở rộng xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Halal… vừa tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Mở rộng đối tác không chỉ hướng đến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá mà còn thu hút các dòng đầu tư thương mại, liên kết các đối tác trong khu vực tạo sức mạnh hỗ trợ cho nhau, đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức trước sự phân mảnh thương mại toàn cầu.
Cùng các động lực từ phía cầu, về phía cung cần thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chính sách tiền tệ linh hoạt đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển công nghiệp hỗ trợ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ; cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường tài chính mở rộng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp…
– Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp