“Tắc” giấy phép sau đổi địa giới: Rủi ro không từ lỗi doanh nghiệp
Việc thay đổi địa giới hành chính khiến hàng loạt doanh nghiệp không thể cập nhật giấy phép kịp thời, rơi vào thế gọng kìm giữa việc tuân thủ luật và thực tiễn…
“Tắc” vì … địa chỉ
Mới đây, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM đã phản ánh về một bất cập tưởng chừng nhỏ nhưng lại gây ách tắc nghiêm trọng trong vận hành doanh nghiệp. Cụ thể, sau khi các tỉnh, thành thực hiện sáp nhập địa giới hành chính theo nghị quyết của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể cập nhật được thông tin trên giấy phép kinh doanh, nhất là phần địa chỉ trụ sở, nhà máy, cơ sở sản xuất.

“Công ty in ấn bao bì, nhãn mác cho sản phẩm không thể tiếp tục in nếu địa chỉ in trên nhãn không khớp với giấy phép đăng ký. Các đối tác xuất khẩu nước ngoài cũng yêu cầu mọi thông tin phải trùng khớp tuyệt đối. Nhưng doanh nghiệp lại không thể cập nhật địa chỉ mới vì chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng” – bà Chi cho biết.
Thực tế, sau khi sáp nhập địa giới, địa chỉ cũ trên giấy phép kinh doanh (ví dụ “huyện Bình Chánh, TPHCM”) đã không còn tồn tại về mặt pháp lý. Nhưng vì quy trình cập nhật giấy phép chưa được ban hành hoặc còn vướng giữa các cấp quản lý, nên doanh nghiệp lâm vào cảnh “biết sai mà không sửa được”.
Một số đơn vị chia sẻ nộp hồ sơ đã lâu nhưng vẫn chưa được xác nhận địa chỉ hành chính mới, buộc phải trì hoãn hoạt động, dừng ký hợp đồng hoặc tạm ngừng lưu thông hàng hóa.
Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM nhận định đây không phải là vấn đề đơn lẻ. “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp, nhất là trong ngành thực phẩm, in ấn, xuất khẩu… cùng gặp vướng mắc này. Họ mong mỏi có văn bản hướng dẫn thống nhất từ các bộ cũng như các sở ngành liên quan để được cập nhật kịp thời”, bà Chi nhấn mạnh.
Pháp lý cần mở lối, không thể để doanh nghiệp tự dò đường
Trao đổi dưới góc nhìn pháp lý với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, bản chất vấn đề nằm ở sự chậm trễ trong việc hướng dẫn cập nhật thông tin hành chính sau sáp nhập. “Khi địa chỉ cũ đã hết hiệu lực pháp lý, doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh trên giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư, mã số thuế… để tiếp tục hoạt động. Nhưng nếu không có hướng dẫn đồng bộ, việc cập nhật trở thành bế tắc”, luật sư Nhung nói.
Theo Luật sư Nhung, hệ quả không chỉ dừng lại ở nhãn mác hàng hóa, mà còn ảnh hưởng đến việc kê khai thuế, xuất hóa đơn điện tử, đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp đồng tín dụng và thậm chí cả thủ tục thông quan.
“Một sự thay đổi về địa giới, nếu không đi kèm hướng dẫn pháp lý đầy đủ, có thể kéo theo hệ lụy liên ngành, liên cấp. Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn không có lỗi nhưng lại trở thành bên phải gánh rủi ro đầu tiên”, bà phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cũng cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn pháp lý để không gây ách tắc.
“Luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… đều quy định việc thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh là bắt buộc trong vòng 10 ngày. Nhưng trong trường hợp địa giới bị điều chỉnh, doanh nghiệp lại không thể tự khai báo do chưa rõ địa danh mới, chưa có đơn vị cập nhật dữ liệu hành chính, chưa có mẫu biểu thống nhất. Đây là khoảng trống pháp lý cần nhanh chóng được lấp đầy”, luật sư Nguyễn Đức Biên nói.
Bên cạnh đó, ông Biên cũng đề xuất: Các bộ liên quan nên phối hợp cùng Bộ Tư pháp ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể, đồng thời thiết lập cơ chế liên thông dữ liệu giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, để đảm bảo địa chỉ mới sau sáp nhập được tự động đồng bộ, tránh phát sinh thủ tục.
Một số chuyên gia pháp lý cũng nhận định với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng, những ách tắc tưởng chừng nhỏ như thay đổi địa danh, nếu không được xử lý đúng cách, có thể làm gián đoạn cả chuỗi vận hành của doanh nghiệp, từ pháp lý, thuế, hải quan, đến niềm tin đối tác.
Một quyết định hành chính có thể ban hành trong vài dòng văn bản, nhưng để nó vận hành trơn tru trong đời sống kinh tế, nhất là ở tầng doanh nghiệp, thì đòi hỏi một hệ thống pháp lý tinh gọn, dữ liệu liên thông và cơ chế phản ứng nhanh. Không thể để những bước tiến của bộ máy trở thành điểm nghẽn cho thị trường. Vấn đề không nằm ở chủ trương, mà nằm ở khả năng đi đến cùng của thể chế.
Nguyễn Giang – Diễn đàn Doanh nghiệp