Sunhouse: Một trong những mô hình tiên phong đổi mới sáng tạo doanh nghiệp

Không chỉ hỗ trợ startup phát triển, Sunhouse còn coi việc hợp tác với startup là chiến lược quan trọng trong việc từng bước kiến tạo nên hệ sinh thái tiện lợi với chi phí hợp lý nhất cho khách hàng.

Sunhouse: Một trong những mô hình tiên phong đổi mới sáng tạo doanh nghiệp

Sunhouse coi việc hợp tác với startup là chiến lược quan trọng

Theo Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của Sunhouse Lại Văn Kiên, nhu cầu của khách hàng có vòng đời rất ngắn và luôn thay đổi liên tục. Điều này tạo nên một áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm và giải quyết “nỗi đau” cho tệp khách hàng mục tiêu về lâu dài.
Trong hội thảo Tăng tốc đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo mở do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, BambuUP và đại học Fulbright Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Kiên khẳng định: “Thông qua đổi mới sáng tạo mở, Sunhouse không giới hạn nguồn lực và sẵn sàng thu hút tri thức và kết hợp với các thành phần bên ngoài như startup để hiện thực hóa các giải pháp đổi mới sáng tạo”.
Việc Tập đoàn công nghệ CMC khai trương Trung tâm sáng tạo và thành lập Quỹ đầu tư sáng tạo vào đầu năm 2017 cũng là dấu ấn tích cực ứng dụng sâu sắc đổi mới mở như một văn hóa nội bộ của doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn có Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và mới đây là trường Đại học CMC.
Trung tâm sáng tạo CMC là nơi trao đổi, đào tạo và chia sẻ về công nghệ, các xu thế mới, là cầu nối, vườn ươm công nghệ và hỗ trợ cho các dự án sáng tạo trong nội bộ CMC cũng như các dự án của cộng đồng công nghệ. Hàng năm, CMC trích tối thiểu 10% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của đóng góp vào quỹ đầu tư sáng tạo CMC. Trong một sự kiện mới đây, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính đã khẳng định: “Đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho phát triển doanh nghiệp của CMC”.
Sunhouse: Một trong những mô hình tiên phong đổi mới sáng tạo doanh nghiệp
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), Đổi mới sáng tạo mở, là việc các công ty khai thác các nguồn đổi mới sáng tạo từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa, hoặc phát hành kết quả đổi mới sáng tạo phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty nhưng có thể được sử dụng hiệu quả ở đâu đó.
Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 cũng đã chỉ ra đổi mới sáng tạo mở chính là chìa khóa đột phá tăng trưởng của doanh nghiệp khi có thể gia tăng tốc độ đổi mới sáng tạo lên từ 3 đến 5 lần trong khi tiết kiệm được đến 30% chi phí đầu tư.
Nhiều ưu điểm nhưng còn những hạn chế nhất định
Trước đây, nền tảng của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là phát triển sản phẩm. Nhưng trong thời kỳ thay đổi liên tục và khó đoán hiện nay, nhà nghiên cứu người Mỹ John Seely Brown cho rằng, việc tạo ra sản phẩm mới không còn quan trọng bằng việc tạo ra năng lực đổi mới sáng tạo bền vững cho doanh nghiệp. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể giúp doanh nghiệp Việt trang bị đầy đủ chuyên môn lẫn điều kiện cần thiết cho quá trình cải tiến năng lực đổi mới sáng tạo mở sắp tới.
Thực tế, cách làm của Sunhouse và CMC là hai trong số bốn mô hình đổi mới sáng tạo doanh nghiệp hiện nay. Theo bà Phan Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (CEI) của Đại học Fulbright Việt Nam, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng mô hình nào cũng có những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, mô hình nhóm đổi mới sáng tạo nội bộ như cách mà CMC, Vingroup, Viettel, FPT, Rạng Đông…đang làm có lợi thế là giúp kiểm soát được quy trình và kết quả cũng như bảo mật thông tin. Tuy nhiên theo bà Lan, điểm trừ của mô hình này là ít không gian cho sự sáng tạo, đặc biệt ở doanh nghiệp lớn; thiếu cái nhìn đa chiều và tốn kém.
Mô hình đối tác doanh nghiệp – công ty khởi nghiệp như cách Vingroup, Qualcomm, VNG, VPBank hay Masan cũng đang làm giúp doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp và công nghệ đa dạng trong khi chi phí thấp hơn đổi mới sáng tạo nội bộ. Tuy nhiên, giải pháp thường chưa được chứng minh hoặc không đủ để nhân rộng và thiếu bảo mật thông tin.
Mô hình đối tác doanh nghiệp – trường đại học như BK Holding, Đại học Fullbright, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội… có ưu điểm là giúp doanh nghiệp tiếp cận các ý tưởng sáng tạo và dự án nghiên cứu & phát triển, chia sẻ chi phí và rủi ro với các trường đại học, mang lại lợi ích cả về đổi mới sáng tạo và tuyển chọn nhân tài. Tuy nhiên, các giải pháp thường ở giai đoạn sơ khởi và cần thời gian để kết nối.
Còn mô hình công ty tư vấn đổi mới sáng tạo doanh nghiệp như Big4, BamuUp hay IBP giúp giải quyết vấn đề nhanh, chuyên môn đa chiều, tăng năng lực đổi mới sáng tạo nội bộ… tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn, ở tầm cao và có thể khó.
Ngoài ra, ông Trần Hoàng Thắng, Quản lý chương trình Đổi mới sáng tạo IPSC cho rằng, doanh nghiệp còn đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có một quy trình đổi mới sáng tạo tiêu chuẩn; chưa có sự sẵn sàng cao để kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài một cách rộng rãi và chưa có một nguồn thông tin chất lượng, đầy đủ, trọn vẹn về đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” do USAID tài trợ sẽ được triển khai với mục tiêu phổ biến mô hình đổi mới sáng tạo mở cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp/tập đoàn bắt đầu hành trình đổi mới sáng tạo mở của mình, góp phần tạo nên những sản phẩm, ý tưởng đột phá đáp ứng nhu cầu của xã hội…

Vân Linh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button