Sức bật mạnh mẽ của nông sản bản địa
Từ chỗ chủ yếu tập trung tiêu thụ với quy mô nhỏ trong một huyện, một tỉnh, các sản phẩm OCOP hiện đã phủ khắp thị trường nội địa và bước đầu xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, hông nhiều ngành hàng nông sản có được tốc độ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng như các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt hơn 10% so với mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao, gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nhiều thị trường xuất khẩu.
Vì thế, từ chỗ chủ yếu tập trung tiêu thụ với quy mô nhỏ trong một huyện, một tỉnh, các sản phẩm OCOP hiện đã phủ khắp thị trường nội địa và bước đầu xuất khẩu. Cùng với đó, số lượng sản phẩm OCOP cũng mở rộng rất nhanh. Trước đây, các sản phẩm có thế mạnh tập trung vào mặt hàng gạo, các loại hạt nhưng hiện nay nhiều mặt hàng đặc sản truyền thống chế biến đã và đang có mặt trên nhiều kệ hàng, trong đó có nhiều hệ thống phân phối, siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi, điểm phân phối sản phẩm OCOP… nằm trong các khu dân cư đông đúc.
Cách đây hơn 1 năm, dịch COVID-19 được khống chế, giao dịch thương mại quốc tế sôi động trở lại, trao đổi với DĐDN, một số chủ thể OCOP còn gặp một số khó khăn nhất định trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng như tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài. Số lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất ngoại không nhiều.
Tuy nhiên, đến nay, đã có thêm sản phẩm OCOP đặc sản truyền thống thuộc danh mục thực phẩm chế biến đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe và kén khách hàng như mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Úc. Ngoài ra, miến dong của Bình Liêu cũng chuẩn bị xuất khẩu sang châu Âu, Úc.
Bên cạnh đó, năm 2023, 2 gian hàng OCOP quốc tế đã được tổ chức tại tuần lễ hàng Việt tại Central World ở Bangkok (Thái Lan) và lần đầu tiên một không gian sản phẩm OCOP được tổ chức ở Milan (Ý).
“Từ năm 2020 trở về trước, chúng ta chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng, hình thành hệ sinh thái sản phẩm OCOP thì từ năm 2021 công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tại một số chuỗi chuyên doanh thực phẩm, sản phẩm OCOP chiếm tới 50% hay sản phẩm OCOP có măt tại điểm dừng chân mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng” – ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Đặc biệt, năm 2023, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội gắn với thương mại điện tử cùng sự nở rộ của hình thức mua sắm kết hợp giải trí, sản phẩm OCOP đã cạnh tranh ngang ngửa các mặt hàng vốn là thế mạnh của kinh doanh online như đồ gia dụng, mỹ phẩm… Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam, năm 2023, đã có hơn 800 phiên chợ OCOP được triển khai với doanh thu 100 tỉ đồng, tiếp cận 300 triệu lượt người xem, góp phần lan toả giá trị sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển và góp phần thúc đẩy kinh tế của các địa phương.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn