Sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm gánh nặng cho người dân

Theo chuyên gia, việc chậm điều chỉnh các quy định trong Luật thuế TNCN, vô hình chung gây thiệt hại và tạo gánh nặng gia tăng đối với những người đang nộp thuế.

Quy định lạc hậu

Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn là chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm gần đây và được đánh giá là có nhiều bất cập, lạc hậu.

Sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm gánh nặng cho người dân

Các quy định về thuế TNCN đã lạc hậu so với thực tế, gây ra thiệt hại nhất định như sự bất ổn, thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, các quy định hiện tại trong luật thuế TNCN của chúng ta đã trải qua một thời gian áp dụng và trở thành khoản thu ngân sách quan trọng; đồng thời phát huy được các chức năng điều tiết, phân phối lại thu nhập của các sắc thuế.

Có những đánh giá thuế TNCN đã lạc hậu là khá chính xác. Thứ nhất, mức khởi điểm đánh thuế đã chưa cập nhật các diễn biến kinh tế từ vi mô đến vĩ mô của các cá nhân, hộ gia đình đến diễn biến thu nhập trong thời gian qua.

Thứ hai, các mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với thực tế, khi chi tiêu cho những người phụ thuộc đã tăng và đã điều chỉnh rất nhiều.

Thứ ba, các bậc tương ứng với thuế suất thuế TNCN cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả phía Nhà nước và lợi ích của những người nộp thuế, người có thu nhập cao.

“Như đã chia sẻ, các quy định về thuế TNCN đã lạc hậu so với thực tế, gây ra thiệt hại nhất định như sự bất ổn, thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế và các thu nhập phải chịu thuế, cũng như các khoản miễn trừ, giảm trừ gia cảnh”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia lý giải, về mức giảm trừ gia cảnh, khi ban hành luật thuế TNCN đã xác định một mức là giá trị tuyệt đối, đồng thời quy định sau một thời gian sẽ điều chỉnh, liên quan đến các yếu tố, như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, về vấn đề GDP, trong suốt những năm vừa qua, trong đó có năm 2020-2021, toàn thế giới chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng kinh tế (không loại trừ yếu tố giá) thì mức tăng khoảng 3%. Riêng năm 2022, Việt Nam tăng trưởng kỷ lục 8,02%. Với tăng trưởng GDP như vậy, thì GDP bình quân đầu người – một tiêu chí để xác định mức khởi điểm chịu thuế TNCN đã có mức tăng rất lớn khi đã loại trừ yếu tố giá. Vì vậy, cần phải cập nhật yếu tố này.

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa đó là chi tiêu của người dân, bao gồm cả người nộp thuế và người phụ thuộc đưa vào diện giảm trừ gia cảnh đã tăng lên rất nhiều. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là chưa phù hợp với thực tế, để đưa vào các bậc thu nhập chịu thuế tương ứng với các mức thuế suất.

Đây là căn cứ cơ sở chủ yếu để chúng ta phải điều chỉnh mức khởi điểm, cũng như mức giảm trừ gia cảnh nhằm phù hợp hơn, đảm bảo công bằng, đúng đắn giữa những đối tượng nộp thuế và những đối tượng không phải nộp thuế; hay những đối tượng nộp thuế rất nhiều và những đối tượng chưa phải nộp nhiều.

“Với đặc điểm nền kinh tế của Việt Nam, lương không hoàn toàn là thu nhập và có khoảng cách khá xa giữa thu nhập với tiền lương. Chưa kể ở Việt Nam còn có một bộ phận rất lớn là khu vực kinh tế phi chính thức, không làm công ăn lương, thậm chí có những bộ phận dân cư thu nhập còn lớn hơn nhiều so với bộ phận làm công ăn lương. Cho nên, mối liên hệ giữa việc điều chỉnh tăng lương bình quân kể cả lương cơ sở hay lương khu vực, thì cũng là một căn cứ để gây ra biến động tăng về mặt thu nhập bình quân đầu người, liên quan đến các yếu tố về lạm phát, tăng chỉ tiêu. Vì vậy phải kịp thời điều chỉnh.

Ngoài việc gia tăng thu nhập như chúng ta chia sẻ, thì chi phí để sinh hoạt chi tiêu cũng đã tăng lên rất nhiều trong thời gian vừa qua. Khi chúng ta chậm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh sẽ gây thiệt hại cho những người đang phải nộp thuế TNCN, đóng góp một phần vào nguồn thu ngân sách Nhà nước; vô hình chung tạo gánh nặng gia tăng đối với những người đang nộp thuế TNCN. Tôi cho rằng, đây là vấn đề cần phải xem xét để kịp thời điều chỉnh trong thời gian tới”, vị chuyên gia phân tích.

Đánh thuế tránh “cào bằng”

Trao đổi với báo chí, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cũng cho rằng, bất cập hiện nay của sắc thuế này là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.

Sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm gánh nặng cho người dân

Mục tiêu tác động của thuế TNCN không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, thúc đẩy kinh tế; mà quan trọng là giải quyết các vấn đề về xã hội

Vị Luật sư cho rằng, điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần, nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa hai tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). “Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến, thành ra cào bằng”.

LS. Trương Thanh Đức cũng đưa ra khuyến nghị, cần phải tính toán lại việc thu thuế TNCN theo hướng: Một là, không đánh thuế với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Hai là, thu thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng được nhu cầu sống trung bình. Ba là, chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự.

Trên cơ sở đó, cần giảm từ 7 xuống 5, thậm chí xuống 3 bậc thuế suất, chẳng hạn 1-2 bậc (khoảng 5-10%) cho nhóm thứ hai, 1-3 bậc (khoảng 15-35%) cho nhóm thứ 3. Đó là điều khó, nhưng với hệ thống hóa đơn điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay thì hoàn toàn khả thi. Điều mà nhiều người cũng cảm thấy bất bình, bất công ở chỗ, trong khi những người làm công ăn lương bị tính hết từng đồng thu nhập (đóng góp tới 70% nguồn thu thuế TNCN), thì còn để sót, thu ít, thu thiếu nguồn thu nhập rất lớn trong các khu vực khác.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, các con số cụ thể tính thuế TNCN thì các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán, tuy nhiên chúng ta cần tăng mức khởi điểm đánh thuế, đồng thời xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Tất cả những việc tăng như vậy phải căn cứ vào các yếu tố vĩ mô, cũng như các yếu tố liên quan đến thu nhập tiền lương, chi tiêu thực tế của các hộ gia đình, đặc biệt có liên quan đến các khu vực khác nhau.

“Ví dụ, chi tiêu ở khu vực đô thị với khu vực nông thôn, hay ở khu vực miền núi với khu vực đồng bằng có khoảng cách rất lớn, do đó phải có thêm cả các yếu tố địa phương, bám sát thực tế.

Nhân dịp này, chúng ta cũng nên xem xét thay đổi các bậc đối với đánh thuế TNCN và nếu được sẽ xem xét điều chỉnh thuế suất để làm sao mục tiêu tác động của thuế TNCN không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, thúc đẩy kinh tế; mà quan trọng là giải quyết các vấn đề về xã hội. Khi đó mới có tác động tốt, tạo ra động lực giúp phát triển từ người lao động đến các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung”, ông Ánh đề xuất.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button