Sửa Luật Thuế GTGT: Phải công bằng với hàng hóa trong nước

Trong khi doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi từ chính sách Thuế GTGT thì doanh nghiệp trong nước lại chịu thiệt thòi. Chuyên gia cho rằng cần sớm thống nhất một mức thuế suất để tránh bất cập…

Sửa Luật Thuế GTGT: Phải công bằng với hàng hóa trong nước

Giá hàng hóa dịch vụ thuộc nhóm không chịu VAT của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng rất nhiều. Ảnh minh họa

Theo đó, trong Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), ngoài phân bón, Bộ Tài chính cũng chuyển tàu đánh bắt xa bờ, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu VAT sang chịu VAT với thuế suất 5%. Đồng thời, quy định tên một số máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng chịu VAT 5% và giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể gồm máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gặt đập liên hợp… Riêng các loại máy móc, thiết bị có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau chuyển sang áp dụng thuế suất VAT 10%.

Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho biết, hiện quy định tàu đánh bắt xa bờ, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp; thức ăn gia súc gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác từ đối tượng không chịu VAT khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ gặp khó khăn.

Cụ thể, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Trong khi đó, nhiều loại máy móc, thiết bị vừa sử dụng được cho sản xuất nông nghiệp, vừa dùng được vào mục đích khác như máy bơm nước, máy dùng để sưởi ấm trong nông nghiệp… doanh nghiệp  khó xác định được loại máy nào áp dụng VAT 5% và loại nào áp dụng VAT 10%.

Ngược lại, ở một nhóm hàng khác là hàng hóa do doanh nghiệp  nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc đối tượng không chịu VAT. Nhưng đối với hoạt động cho thuê tài chính, hàng hóa do doanh nghiệp  trong nước nhập khẩu sau đó bán vào khu phi thuế quan thì thuộc đối tượng chịu VAT 0% (nghĩa là doanh nghiệp được khấu trừ hoặc hoàn VAT).

Như vậy, công ty cho thuê tài chính khi mua máy móc, thiết bị từ nước ngoài về để cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê thì chịu VAT, sau khi chuyển giao sở hữu cho bên thuê (khi kết thúc hợp đồng) mới áp dụng VAT 0% thì công ty cho thuê tài chính trong nước không cạnh tranh được với công ty nước ngoài (vì tài sản của công ty cho thuê tài chính nước ngoài được chuyển thẳng vào khu phi thuế quan nên thuộc đối tượng không chịu VAT). Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu của công ty cho thuê tài chính cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê tài chính thuộc đối tượng không chịu VAT.

Sửa Luật Thuế GTGT: Phải công bằng với hàng hóa trong nước

Về lâu dài, cần thống nhất một mức thuế suất GTGT để dễ thực hiện, không gây ra những bất cập trong thực tế. Ảnh minh họa

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, phân tích: VAT là sắc thuế có tính liên hoàn, một quy trình khép kín tức hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của đơn vị khác. Do đó, những đối tượng không chịu VAT tức không được khấu trừ VAT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì thế, hàng hóa dịch vụ không chịu VAT sẽ giảm được chi phí giá thành thì ngược lại phải tăng giá vì không được khấu trừ thuế. Trong khi đó, Việt Nam không phân biệt đối xử trong lĩnh vực thuế, nên những doanh nghiệp nhập khẩu hàng có trong danh mục không chịu VAT cũng sẽ được hưởng chính sách như vậy. Dẫn tới sẽ càng làm khó cho các doanh nghiệp  sản xuất trong nước khi cạnh tranh sản phẩm dịch vụ trên chính sân nhà.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi ích kép. Đó là khi xuất hàng ra khỏi nước sở tại, doanh nghiệp này sẽ được hoàn VAT. Đến khi hàng được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam lại thêm một phần lợi nữa là không chịu VAT. Hàng hóa nhập khẩu lúc này có chi phí rẻ hơn trong nước sản xuất rất nhiều.

“Với sự hỗ trợ về thuế như vậy, giá hàng hóa dịch vụ thuộc nhóm không chịu VAT của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng rất nhiều. Hay nói chính xác hơn, chính sách thuế đang bảo hộ ngược, khuyến khích sử dụng hàng nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Ngọc Tú cho hay.

Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng chính sách thuế sửa đổi như mặt hàng phân bón đưa vào nhóm chịu VAT 5% là hợp lý. Từ đó sẽ làm giá thành sản xuất của doanh nghiệp giảm đi và giá bán đến tay người nông dân có khả năng được giảm theo. Hiện cũng có nhiều sản phẩm khác đang nằm trong nhóm không chịu thuế VAT cũng gặp tình trạng như vậy và cần xem xét thấu đáo. Nếu không, hàng nhập khẩu do không phải chịu thuế sẽ rẻ hơn và “bóp nghẹt” hàng sản xuất trong nước.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng về nguyên tắc, những hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích, ưu đãi không chịu thuế GTGT, hay thuế suất 5%, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, tiếp cận được giá thấp. Thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng thuế suất đầu vào và đầu ra GTGT có chênh lệch thì chưa chắc giá thành sản phẩm đã thấp.

Doanh nghiệp muốn tồn tại phải có lãi, trong khi thuế suất đầu vào 10% mà đầu ra 0% hay 5% họ cũng phải tính vào giá thành khi chi phí tăng lên. Ở đây, Nhà nước không thu được thuế mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi. “Trong trường hợp chữa cháy thì cho các đối tượng thuộc diện không chịu thuế nhận tiền hoàn thuế nếu có chênh lệch, còn không thì được tính vào chi phí. Về lâu dài, cần thống nhất một mức thuế suất GTGT để dễ thực hiện, không gây ra những bất cập trong thực tế”, luật sư Trần Xoa kiến nghị.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button