Sửa Luật Thuế GTGT: Cần tiếp tục rà soát các đối tượng không chịu thuế

Xoay quanh Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc thống nhất một mức thuế suất, cần tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế…

Theo đó, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây đưa ra lấy ý kiến đã thu hẹp một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế như phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng…

Sửa Luật Thuế GTGT: Cần tiếp tục rà soát các đối tượng không chịu thuế

Cơ quan soạn thảo đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) – Ảnh minh họa: ITN

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính như các khoản phí tại hợp đồng vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân… sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như tài sản di chuyển; hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới; vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa trung chuyển; kinh doanh chứng khoán; giống cây trồng…

Không chỉ có vậy, tại Tờ trình, ban soạn thảo cũng nêu lý do thực tiễn phát sinh vướng mắc, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Đáng nói, theo cơ quan soạn thảo, quá trình toàn cầu hóa và xã hội hóa đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên, việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Theo đó, để khắc phục bất cập này, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

Sửa Luật Thuế GTGT: Cần tiếp tục rà soát các đối tượng không chịu thuế

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thống nhất một mức thuế suất, cần tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế – Ảnh minh họa: ITN

Góp ý về Dự thảo đã nêu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác… Các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hoá thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hoá nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hoá sản xuất trong nước…

Theo VCCI, đây là vấn đề nghiêm trọng, tồn tại từ nhiều năm nay và cần được giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng lần này, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế theo một số nguyên tắc: Đối với các loại hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không nhập khẩu từ nước ngoài (hoàn toàn tự sản xuất, cung ứng và tiêu dùng trong nước) thì tiếp tục duy trì diện không chịu thuế; Đối với các loại hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam có nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng trong nước thì cần loại bỏ khỏi diện không chịu thuế mà chuyển sang các mức thuế suất phù hợp.

Về các mức thuế suất khi chuyển các mặt hàng không chịu thuế, VCCI cũng đề ra những phương án để cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Bên cạnh ý kiến đã nêu, liên quan việc thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, thông tin với báo chí, Luật sư Trần Xoa – Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cũng cho rằng, nhiều mặt hàng đang không chịu thuế nhưng doanh nghiệp không muốn như vậy vì đầu vào không được khấu trừ làm tăng giá vốn mua vào nên đề nghị bỏ ra.

Theo Luật sư Trần Xoa, về nguyên tắc, những mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích, ưu đãi được không chịu thuế GTGT, hay thuế suất 5% thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, tiếp cận được giá thấp, thế nhưng, trong trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng thuế suất đầu vào và đầu ra GTGT có chênh lệch thì chưa chắc giá thành sản phẩm đã thấp. Doanh nghiệp muốn tồn tại phải có lãi, trong khi thuế suất đầu vào 10% mà đầu ra 0% họ cũng phải tính vào giá thành khi chi phí tăng lên, ở đây, Nhà nước không thu được thuế mà người tiêu dùng cũng không hưởng được lợi.

Từ đó, Luật sư Trần Xoa kiến nghị, cần thống nhất một mức thuế suất GTGT, có thể là 7% để dễ thực hiện, đồng thời không gây ra những bất cập trong thực tế. Trong trường hợp những ngành nghề, lĩnh vực cần hỗ trợ thì nguồn ngân sách có thể quay lại đầu tư. Việc thống nhất một mức thuế suất GTGT cũng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button