Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

Bên cạnh các cơ chế, chính sách được đề xuất, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo chuyên gia, cần xem xét bổ sung quy định ưu tiên và chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ…

Theo đó, nhằm tạo hành lang pháp lý để TP. Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất quy định một số ưu đãi cho phát triển khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có quy định mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ.

Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất quy định một số ưu đãi cho phát triển khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có quy định mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ – Ảnh minh họa

Đồng thời, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định về định hướng xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô; một số vấn đề mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng và cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong và ngoài ranh giới Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Giao UBND TP. Hà Nội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hà Nội và việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, tài nguyên môi trường, việc làm.

Nhìn nhận về các đề xuất đã nêu, đa phần các ý kiến đều cho rằng, về cơ bản nội dung được đưa vào Dự thảo Luật (sửa đổi) đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế.

Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn cần xem xét bổ sung quy định ưu tiên và chính sách hỗ trợ phát triển – Ảnh minh họa

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tại Điều 23 về “Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” Dự thảo Luật (sửa đổi) đã làm rõ và đánh giá cao việc phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ; xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô. Quy định này có ý nghĩa làm động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết được nhiều vướng mắc trong vấn đề chuyển giao, tài sản công và sở hữu trí tuệ.

Để hoàn thiện hơn các quy định về khoa học công nghệ, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, nên sử dụng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chung, không nên quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (việc quy định doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Nghị định của Chính phủ quy định).

Đồng thời, xem xét bổ sung quy định ưu tiên và chính sách hỗ trợ các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương tự như ưu đãi đối với các cá nhân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ đã được quy định trong Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định trong Dự thảo Luật về việc hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo của Thủ đô với các quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giao UBND TP. Hà Nội xây dựng một số Chương trình Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có tính liên ngành, giải quyết triệt để, gắn với sản phẩm cuối cùng.

Đồng quan điểm đã nêu, góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, ngoài các chính sách phát triển khoa học công nghệ đã được thể hiện trong Dự thảo, cần bổ sung cơ chế, chính sách giúp hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ của Thủ đô. Bởi, kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy chỉ khi hình thành được một thị trường khoa học công nghệ sôi động và lành mạnh thì mới có thể phát triển khoa học công nghệ một cách bền vững…

Còn theo TS Hoàng Ly Anh – Trường Đại học Luật Hà Nội, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần cân nhắc việc quy định cụ thể các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc liệt kê sẽ xác định rõ những lĩnh vực trọng điểm mà Thủ đô cần tập trung đầu tư và minh bạch trong thi hành chính sách ưu đãi sau này, tuy nhiên, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lĩnh vực thay đổi rất nhanh chóng. Trong tương lai, nếu xuất hiện những lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hay chuyển đổi số mới và cần nghiên cứu, sẽ không thể áp dụng cơ chế tại Luật Thủ đô do lĩnh vực đó không thuộc các lĩnh vực được liệt kê trong Luật.

“Chỉ nên xác định đặc trưng của các lĩnh vực trọng điểm của Hà Nội và giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi đối với các quy định về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…”, TS Hoàng Ly Anh bày tỏ.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button