Sửa Luật Thủ đô: Cần tách bạch chính sách phát triển giao thông công cộng
Mặc dù Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa vào một số nội dung định hướng phát triển giao thông công cộng, tuy nhiên, theo chuyên gia, cần tách bạch chính sách này thành một điều khoản độc lập…
Cùng với quá trình phát triển, quy mô dân số của Hà Nội hiện đã lên tới hơn 8,3 triệu dân. Theo thống kê, Thủ đô đang có khoảng 7,78 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện, con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.
Đáng nói, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng đến nay, nhìn chung hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô Hà Nội cơ bản mới chỉ đảm nhiệm được một phần nhu cầu đi lại, hiện trạng tắc đường vẫn tái diễn tại nhiều con phố, vì vậy, phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm tải áp lực được cho là nhu cầu bức thiết.
Để giải quyết thực trạng đã nêu, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây đã định hướng đưa vào một số điều khoản về việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Thế nhưng, theo các chuyên gia, chính sách phát triển giao thông công cộng cần phải được cụ thể, riêng biệt thay vì nằm rải rác trong các quy định.
Liên quan đến nội dung này, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Mai Thị Mai – Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ghi nhận trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, nếu xác định phát triển hệ thống giao thông công cộng là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về phát triển hệ thống giao thông công cộng nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.
“Các nội dung điều chỉnh về phát triển hệ thống giao thông công cộng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về – Xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này, sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về phát triển hệ thống giao thông công cộng nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ hầng, huy động tài chính, huy động nhà đầu tư”, TS Mai Thị Mai đề xuất.
Bên cạnh đề xuất đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, để phát triển hệ thống giao thông công cộng cũng cần có hành lang pháp lý để hình thành một Quỹ đặc biệt cho giao thông công cộng của TP. Hà Nội, Quỹ này sẽ tập trung các nguồn lực tài chính từ xã hội và tạo ra được nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển chính sách giao thông và tài trợ cho việc vận hành hệ thống giao thông công cộng cho Thành phố.
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm của các siêu đô thị tại châu Á (Seoul, Tokyo), nguồn thu từ quỹ này hình thành từ một phần nhỏ trong thuế nhiên liệu, thuế ô tô và nguồn thu từ phí gây tắc nghẽn giao thông; ở thủ đô Hà Nội, việc thu phí còn có thể áp dụng cho việc thu phí vận tải của các phương tiện siêu trường, siêu trọng cần cấp phép đặc biệt khi lưu thông trong đô thị. Sự vận hành của quỹ này có thể được chấm dứt sau khi vấn nạn về tắc đường, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông đã được giải quyết.
Đặc biệt, xây dựng chính sách về phát triển hệ thống giao thông công cộng được cho sẽ là “lời giải” giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, việc có các chính sách quy định trực tiếp về phát triển hệ thống giao thông công cộng tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết. Bởi, phát triển giao thông công cộng không chỉ là phát triển hạ tầng, quy hoạch, mà còn cần đến các giải pháp phủ kín mạng lưới, tăng cường tính kết nối giữa các loại hình giao thông công cộng để người dân ở mọi nơi đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện.
Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 Chương, 59 Điều tăng 2 Chương, 32 Điều và so với Luật Thủ đô hiện hành. Nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho đã bám sát 9 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.