Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”
Với hệ thống di sản phong phú, đa dạng, để hiện thực tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần phải có chính sách cụ thể cho công nghiệp văn hóa…
Theo đó, với những lợi thế về bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng,… thời gian qua, công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển nhất định, đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố, theo số liệu năm 2018). Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu từ công nghiệp văn hóa đạt 5% GRDP của thành phố vào năm 2025, 8% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô bao gồm:
Thứ nhất, quy định dự đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa thuộc danh mục dự án ưu đãi đầu tư.
Thứ hai, nội dung ưu đãi đầu tư bao gồm được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản này được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.
Đánh giá cao những đề xuất được định hướng tại Dự thảo Luật (sửa đổi), tuy nhiên, để tránh những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật, tạo cơ chế đặc thù hiện thực hóa Nghị quyết 15-NQ/TW về thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa là ngành mũi nhọn, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo cần đưa ra những chính sách cụ thể.
Bày tỏ quan tâm đến quy định về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hoá, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa (Điều 23), góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định này của Dự thảo Luật kế thừa nội dung tại Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành, thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có quy định về việc ưu tiên phát triển văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển sáng tạo.
Theo báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa Thủ đô có những bước phát triển nhất định, đặc biệt số lượng di tích đứng đầu cả nước, với gần 6.000 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, dẫn đầu về số lượng nghệ nhân trong cả nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng.
“Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa phát triển, sáng tạo”, vị đại biểu này bày tỏ.
Theo vị đại biểu này, các hoạt động đầu tư cho văn hóa chưa có ưu đãi đặc thù vượt trội để thu hút đầu tư từ vốn tư nhân, như triển khai các dự án phim trường, khu vui chơi lớn. Do vậy, Dự thảo Luật cần có quy định tạo điều kiện để Hà Nội có thể hình thành một hoặc nhiều trung tâm công nghiệp văn hóa, với ưu đãi trong tiếp cận đất đai, đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân.
“Những trung tâm “công nghiệp văn hóa” không chỉ tạo cơ hội để người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao mà sẽ là nơi để sáng tạo nghệ thuật để có tác động lan tỏa tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa của cả nước”, đại biểu Nguyễn Thị Hà bày tỏ.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, điểm mới Dự thảo Luật (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Song về mặt hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng của trung tâm văn hóa Thủ đô chưa rõ về quy mô, số lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Trong đó cần xác định quy mô, số lượng và nguồn kinh phí cần đầu tư, bởi không phải công trình trung tâm công nghiệp văn hóa nào cũng đưa vào phát triển.
“Cần tạo điều kiện chính sách, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển toàn diện trung tâm công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa thuật ngữ trung tâm công nghiệp văn hóa với khu thúc đẩy thương mại văn hóa để tránh nhầm lẫn”, vị đại biểu này góp ý.