Sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP: Tín hiệu đảo chiều cổ phiếu xăng dầu
Cổ phiếu nhóm xăng dầu được dự báo sẽ có nhiều triển vọng nhờ tiến độ xem xét các kiến nghị và xây dựng bản dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu…
Trong ngành dầu khí, nhóm cổ phiếu được chia thành 03 nhóm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Nhóm hạ nguồn được coi là nhóm xếp cuối cùng trong khâu vận chuyển phân phối thành phẩm là xăng dầu ra thị trường. Nhóm thượng nguồn là nhóm khai thác khí gồm các doanh nghiệp đầu ngành như GAS, PVD, PVS, nhóm trung nguồn được xếp vận tải khí như PVT, PVB. Vậy nhóm cổ phiếu dầu khí hạ nguồn (còn gọi là nhóm cổ phiếu xăng dầu) được đánh giá còn triển vọng nào trong năm 2023 nhờ các chính sách sửa đổi từ cơ quan Nhà nước?
Báo cáo đánh giá của VNDirect cho rằng, sau một năm 2022 khó khăn chưa từng có, thị trường xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái bình thường khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và cơ quan quản lý đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu cơ sở từ cuối năm 2022, qua đó hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu trong nước. Đơn cử như doanh nghiệp phân phối lớn nhất thị trường Petrolimex – PLX (với khoảng 50% thị phần) đã cho thấy sự phục hồi trong Quý /2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng là 155% so với cùng kỳ.
Đối với cổ phiếu PLX, đã có nhiều tín hiệu đảo chiều sau khi cổ phiếu này nằm quanh vùng đáy 38.0-39.0. Mới đây, PLX đã bán đấu giá toàn bộ 120 triệu cổ phần PGBank (PGB), tương đương 40% tổng cổ phần của ngân hàng với giá 21.400 đ/cp. Thương vụ thành công đồng nghĩa với việc PLX đã thoái vốn hoàn toàn khỏi PGB và thu về 2.568 tỷ đồng. VNDirect ước tính PLX ghi nhận gần 680 tỷ đồng doanh thu tài chính trong Quý 2/2023, tương đương khoảng 14% lợi nhuận trước thuế của PLX trong năm 2023. Bên cạnh đó, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt tăng trưởng kép là 3%.
Do vậy, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của PLX đạt 46,1% trong năm 2023 trong năm 2023-2025. Giá mục tiêu theo phương pháp DCF của VNDirect giữ nguyên ở mức 45.600 đồng/cp. Động lực tăng giá là sản lượng tiêu thụ xăng dầu cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá chủ yếu đến từ sự gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong nước do sự cố có thể tái diễn tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Cổ phiếu thứ 2 đến từ nhóm xăng dầu là BSR – Công ty Cổ phần Lọc Hoá dầu Bình Sơn. Những câu chuyện đầu tư hấp dẫn vẫn của BSR vẫn còn ở phía trước Dự án Nâng cấp, mở rộng (NCMR) nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5, tạo tiền đề để BSR triển khai dự án trong thời gian tới.
VNDirect cho rằng,đây sẽ là động lực tăng trưởng của BSR trong dài hạn, thúc đẩy doanh thu cũng như cải thiện khả năng sinh lời của công ty thông qua việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị cao sau khi đi vào hoạt động. VNDirect cũng kỳ vọng việc chuyển niêm yết sang HOSE sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho BSR. Hiện tại, BSR chỉ còn thiếu một tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn để được niêm yết cổ phiếu trên HOSE. BSR đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này và đặt mục tiêu chuyển sàn trong Quý 3/2023.
VNDirect khuyến nghị giá mục tiêu của BSR là 22.600 đồng/cp. Giá mục tiêu dựa trên phương pháp DCF thay vì kết hợp giữa 2 phương pháp EV/EBITDA và P/B. Nhìn chung, việc duy trì khuyến nghị khả quan đối với BSR nhờ vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp đến từ dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy vừa được phê duyệt gần đây. Với tình hình tài chính vững mạnh với số dư tiền mặt ròng là 22.900 tỷ đồng và hệ số nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu là -0,43 vào cuối Quý 1/2023, đây chính là đòn bẩy tài chính cho động lực phát triển của BSR trong thời gian tới…
VNDirect cho rằng, triển vọng tươi sáng cho nhóm cổ phiếu xăng dầu này nhờ thị trường trong nước ổn định trở lại kể từ năm 2023 nhờ NSR vận hành hết công suất. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022 và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam ( tăng 4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030).
Theo Bộ Công Thương, mặt bằng giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn 29,7-39,5% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng một lít, giảm 35%; dầu diesel ít hơn 39%, dầu hỏa ít hơn 37% và mazut khoảng 29%. Bộ dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong Quý 3 khi giá thế giới đi lên. Hiện Bộ giao PVN giám sát các nhà máy lọc dầu, chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, để hoạt động. Các doanh nghiệp đầu mối tính toán sản lượng để có kế hoạch tạo nguồn cung cho hệ thống phân phối và thị trường.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức giá cơ sở. Các nhà băng cũng được đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, ngoại tệ để họ đủ nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu.
Bên cạnh đó, các nội dung khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP sẽ tập trung vào công thức, phương thức, thời gian điều hành và công bố giá. Nghị định mới cũng sẽ đưa ra quy định về chiết khấu, đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống. Được biết Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành để trình Chính phủ. Có thể nói, những thông điệp này từ cơ quan quản lý là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu nhóm xăng dầu trong thời gian tới.