Sợ trách nhiệm là do “không làm được” hoặc “ngại không làm”
Một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) về việc một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế.
Trả lời câu hỏi liên quan đến sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định có tình trạng này nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật.
Có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”
“Một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Nói thêm về tình trạng sợ trách nhiệm, theo Bộ trưởng Lê Thành Long thực tế có một số trường hợp không làm được hoặc ngại không làm thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Tổng Bí thư tại Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ vừa qua đã khẳng định khâu yếu của chúng ta chính là tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng, nhiều trường hợp không xem xét vấn đề trong tổng thể nên nói “do pháp luật”. Một số báo cáo rà soát cũng đưa ra một số kiến nghị nói rằng pháp luật vướng mắc nhưng thực tế nghiên cứu kỹ thì có rất nhiều việc không phải như vậy.
“Một số nơi có xu hướng giải thích pháp luật theo hướng tiện cho mình, hoặc hiểu áp dụng pháp luật chưa thống nhất, thậm chí có tình trạng hành chính hóa”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Lê Thành Long, từ tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật “cộng” với ảnh hưởng “việc này việc kia” trong bối cảnh hiện nay đã dẫn đến việc các bộ, ngành không chủ động.
Nêu giải pháp về tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Bộ Nội vụ đang soạn thảo quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo. “Tuy nhiên, cũng còn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết”, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ.
Chưa khắc phục được vấn đề nợ chậm ban hành văn bản
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định. Tuy nhiên, năm 2021 số lượng văn bản nợ, chậm tăng.
Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết.
Tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng trong xây dựng pháp luật cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.