Siết kỷ luật thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đánh giá, kỷ luật thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn dân vẫn chưa ổn, như thanh toán bất động sản, mua bán xe máy, ô tô cũng bằng tiền mặt… nên kỷ luật này cần được siết lại.
Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có thay đổi lớn, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được ưa chuộng sử dụng như thẻ chip, QR Code, ví điện tử hay ứng dụng Mobile Banking. Kết quả đạt được cho thấy, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang phương thức thanh toán điện tử thay thế cho tiền mặt, đây cũng là một trong những mục mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đẩy nhanh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong các giao dịch thanh toán với mức tăng trưởng cao, phổ cập được việc sử dụng các phương thức phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị, tạo sự lan tỏa và mở rộng ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đổi mới phát triển hạ tầng thanh toán, đạt an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một gia tăng, cũng như yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, kỷ luật thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn dân vẫn chưa ổn, nhất là vùng sâu vùng xa, như thanh toán bất động sản đều bằng tiền mặt, mua bán xe máy, ô tô cũng bằng tiền mặt,… nên kỷ luật này cần được siết lại.
Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân – ngân hàng HDBank cho rằng, ở Việt Nam có một đặc thù về vị trí địa lý là các địa bàn nông thôn khá trải rộng, do đó, những người dân tiếp cận với công cụ thanh toán của ngân hàng còn hạn chế, trong khi ngân hàng không phải ở huyện, xã nào cũng có. Trong bối cảnh tiếp cận với các công cụ thanh toán còn khó khăn như vậy mà nhu cầu giao thương lại lớn, chúng ta cần rút ngắn được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong việc tiếp cận các ứng dụng của hoạt động ngân hàng, các công cụ thanh toán là điều phải cố gắng vượt qua.
Hay theo các chuyên gia, đại diện ngân hàng, cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất, cần đẩy mạnh thanh toán điện tử trong nhiều lĩnh vực, phối hợp với hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan Nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, cần bắt đầu thay đổi thói quen từ những người trẻ, tạo cầu nối khơi nguồn cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam nhất là thế hệ am hiểu công nghệ, phong cách số năng động, nhu cầu cá nhân hóa cao và có nhu cầu nắm bắt, khám phá trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, tiện ích của thẻ ngân hàng nói riêng hay hoạt động thanh toán số nói chung.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết, số người dùng dịch vụ thanh toán điện tử đã tăng lên ở mức tương đối nhanh, riêng về doanh số thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay được dự báo tăng ở mức 20 – 30% một năm. Điều đó là rất tốt và đang đi theo xu thế. “Tuy nhiên, chúng ta đã hài lòng chưa thì tôi cho rằng chưa, bởi vì tỷ lệ thanh toán dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam so với khu vực vẫn còn lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải chạy nhanh hơn thì mới theo kịp được xu thế và yêu cầu của thời đại hiện nay”.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS cũng chia sẻ, trong thời gian tới, NAPAS sẽ đưa thêm vào các tiêu chuẩn về giao dịch trực tuyến cho thẻ chip nội địa và với những tuân thủ để đảm bảo các luồng giao dịch, cũng như áp dụng thêm các biện pháp phân tích trí tuệ nhân tạo, học máy để có thể hỗ trợ thêm cho các đối tác, các khách hàng trong việc cảnh báo sớm tất cả các nguy cơ mất an toàn liên quan đến giao dịch.
Đáng chú ý, hoạt động phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng góp phần mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế và thúc đẩy hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Tính đến 30/6/2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bài toán phí hợp lý cũng đang tạo động lực sở hữu cho cả nhà thanh toán và ngườisoosngdungj thẻ.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên khẳng định, phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như miễn phí phát hành phí thường niên và có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế. Phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng là để khẳng định thương hiệu thẻ thanh toán của Việt Nam, sử dụng công nghệ hạ tầng thanh toán trong nước và dùng đồng tiền Việt Nam để kết nối xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt trong mọi tình huống.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc trung tâm thẻ Viettinbank nhấn mạnh, muốn cạnh tranh được với các sản phẩm thẻ quốc tế, thì thẻ quốc tế làm được gì, thẻ nội địa cũng phải làm được cái đó và làm tốt hơn. Đó cũng là lý do để người dùng tăng cường sử dụng thẻ nội địa Việt Nam và chúng ta phải “trẻ trung” hơn trong cách tiếp cận thế hệ khách hàng mới, bằng các thiết kế sành điệu, công nghệ mới và tích hợp những điều mới lạ trong đó.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn