Sẽ có giải pháp đột phá cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước
Cục Phát triển doanh nghiệp xây dựng Đề án doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, lựa chọn một số lĩnh vực chính làm động lực dẫn dắt.
Thông tin về đề án, ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến hết năm 2022, Việt Nam có 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Riêng các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế với khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.
Hiện nay, do tác động bất lợi của kinh tế thế giới, đầu tư tư nhân hạn chế, việc thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng là động lực cho nền kinh tế, nhất là trong giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực. Yêu cầu và đòi hỏi về tính lan toả, dẫn dắt của khối doanh nghiệp này càng trở nên cấp thiết trong giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế trên, Cục Phát triển doanh nghiệp đề nghị xây dựng Đề án doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.
Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết: Đề án lấy các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đề án, một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng và kết cấu hạ tầng được lựa chọn để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.
Việc lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đề án phải đáp ứng các tiêu chí như có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng), có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%); có thương hiệu tại thị trường trong nước, đảm bảo các quy định pháp luật về cạnh tranh; có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài;
Tham gia đề án, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các nguyên tắc quản trị của OECD; đạt chuẩn Basel II trở lên đối với lĩnh vực ngân hàng, có năng lực hấp thụ và làm chủ khoa học công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Các doanh nghiệp này thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã cổ phần hóa/có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại công ty mẹ, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.
Để cởi gỡ về cơ chế chính sách, Đề án đề xuất thực hiện một số chính sách thí điểm (chưa được quy định tại các Luật hiện hành) áp dụng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty được lựa chọn trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi ban hành; sau đó tổng kết, đánh giá và điều chỉnh chính sách cho phù hợp để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.
Những chính sách này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý theo mục tiêu trong một số nội dung về quản lý, sử dụng vốn nhà nước; đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và giao quyền chủ động cho doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Đức Trung, các doanh nghiệp nhà nước cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. “Để làm được điều đó, cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói và cho doanh nghiệp nhà nước tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo”, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cho hay.