Sầu riêng Việt lại “tắc đường” sang Trung Quốc: Tháo gỡ thế nào?

Những ngày gần đây, hàng loạt lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, thậm chí phải quay đầu vì phía bạn yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O…

Sầu riêng Việt lại “tắc đường” sang Trung Quốc: Tháo gỡ thế nào?
Cán bộ Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 7 đang tiến hành kiểm tra một lô hàng tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ngày 6/9/2023. Ảnh: Nguyễn Giang

Doanh nghiệp đang “lúng túng”

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước về kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc thực vật dường như đang phản ứng chậm với những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, ông Nguyên cũng cho biết, Hiệp hội đã đề đạt nguyện vọng được hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận kiểm định vàng O, theo như yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Phía Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Cục sẽ cấp giấy nhưng doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

“Điều này khiến chúng tôi lúng túng”, bởi các doanh nghiệp không làm việc được trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Yêu cầu phía bạn, bao gồm các nội dung kiểm định, tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ sở cấp giấy kiểm định… hiện đều mơ hồ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả lấy dẫn chứng về việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU. Khi ấy, phía bạn đều chỉ định các phòng thí nghiệm được công nhận để doanh nghiệp xuất khẩu làm thủ tục. Nhưng đến nay, sau khoảng hơn một tuần xuất hiện việc sầu riêng Việt Nam không thể thông quan vì thiếu giấy kiểm định vàng O, mọi thứ vẫn chưa được làm rõ.

Bài học từ Sầu riêng Thái Lan

Từ cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát hiện một số lô hàng sầu riêng của Thái Lan có dư lượng vàng O. Đến ngày 10/1/2025, Trung Quốc ra thông báo áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt với sầu riêng nhập khẩu. Cụ thể, sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc phải có thêm giấy kiểm định vàng O, bên cạnh giấy kiểm định Cadimi.

Thái Lan, khoảng 1 tuần sau khi bị ùn tắc hàng trăm container tại khu vực cửa khẩu Nakhon Phanom đã vào cuộc quyết liệt. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã trực tiếp sang Trung Quốc, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các thủ tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đến 17/1, Trung Quốc bắt đầu cho phép Thái Lan xuất khẩu trở lại, sau khi đồng ý công nhận 6 phòng thí nghiệm có khả năng kiểm định dư lượng vàng O trên sầu riêng.

“Cần nhanh chóng có nhiều phòng kiểm nghiệm, đủ sức cấp giấy chứng nhận an toàn cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng”, ông Nguyên nhấn mạnh, và nhấn mạnh rằng, bài học kinh nghiệm đến từ chính Thái Lan. Dù bị tạm ngưng xuất khẩu, xứ Chùa vàng đã hoàn chỉnh quy trình tự kiểm nghiệm trong thời gian ngắn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả là nhờ việc, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nước này đứng ra làm đầu mối, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều tương tự”, ông Nguyên đề xuất. Sầu riêng đang vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ do đúng dịp Tết Nguyên đán. Nếu không có những biện pháp kịp thời, nhanh chóng, giá sầu riêng có thể sẽ giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ.

Sầu riêng Việt lại “tắc đường” sang Trung Quốc: Tháo gỡ thế nào?
Một vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Thương

Chia sẻ thêm về câu chuyện Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin, hiện nước này cũng thử nghiệm trồng sầu riêng nghịch vụ như Việt Nam, tại các tỉnh phía Nam như Chanthaburi. Nông dân tại đây có thể vì mới sản xuất, lại muốn trái có mẫu mã đẹp, bắt mắt nên đã sử dụng loại thuốc nhuộm, dẫn đến tồn dư vàng O.

Dù vậy, điều này rất nguy hiểm. Hiện Trung Quốc nhận định, vàng O có thể nhiễm tới phần cơm sầu riêng nên đã cho kiểm tra cả bên trong. Cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo, không được sử dụng sầu riêng trả về để chế biến đông lạnh.

“Hàng bị trả về do dư lượng chất cấm thì buộc phải tiêu hủy”, Tổng Thư ký Đặng Phúc Nguyên nêu quan điểm. Dù doanh nghiệp bị động trước các thay đổi đột ngột từ nước nhập khẩu, ông Nguyên kêu gọi họ kiên nhẫn, dù hàng hóa bị trả lại hoặc chờ đợi lâu tại cửa khẩu. Cùng với đó, luôn tuân thủ các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nói chung, không phân biệt hàng nội tiêu hay xuất khẩu.

Đề nghị sớm đàm phán với phía Trung Quốc

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Đồng Nai kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước (Cục Bảo vệ thực vật) nên có một đoàn trực tiếp tham gia xúc tiến, trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất cách xét nghiệm, lựa chọn các đơn vị, trung tâm xét nghiệm đủ điều kiện để xét nghiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xúc tiến sớm để khơi thông xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, nếu tình trạng này kéo dài sẽ “vỡ trận” đối với sầu riêng miền Đông Nam Bộ (thu hoạch từ tháng 4) và ảnh hưởng tới tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng năm nay.

Song song với đó, cần có giải pháp kiểm soát vùng sản xuất vì vấn đề Cadimi nếu không kiểm soát từ vùng trồng thì không thể xử lý tận gốc. Còn chất vàng O thì không đáng lo ngại bằng vì đây là chất bảo quản sau thu hoạch”, vị này chia sẻ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button