Sầu riêng phát triển “nóng” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn

Trước “cơn sốt” giá sầu riêng, các nhà vườn ồ ạt mở rộng diện tích, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT vừa có chỉ đạo các tỉnh, thành miền Nam về phát triển loại cây trồng này.

Công văn chỉ đạo nêu rõ, cuối tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất xây sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng” tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Sầu riêng phát triển “nóng” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn

Việc tăng diện tích ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ.

Phát triển tích hợp trong quy hoạch

Theo đó, người dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…

“Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam”, Cục Trồng trọt cảnh báo.

Do đó, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng về phát triển bền vững loại cây trồng này.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh.

Đầu tư cho chất lượng

Đặc biệt, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung. Xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.

Sầu riêng phát triển “nóng” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn

Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các hộ trồng sầu riêng theo hướng phát triển bền vững.

Cục Trồng trọt cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tháng 7/2022 sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu riêng xuất khẩu sầu riêng trong năm 2022 tăng tới gần 137% so với năm 2021, đạt khoảng gần 421 triệu USD.

Giá sầu riêng thu mua tại vườn cũng tăng mạnh nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi. Đặc biệt, thời điểm cuối đầu năm 2023, giá loại quả này còn tăng vọt, lập kỷ lục lịch sử. Cụ thể, giá sầu Thái vọt lên 170.000-190.000 đồng/kg, Ri6 140.000-160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao.

Thương lái vào tận vườn lùng mua từng quả, nhà vườn có sầu riêng bán dịp đầu năm nay trúng đậm tiền tỷ mỗi ha. Đây là nguyên nhân khiến nông dân các tỉnh phía Nam lại phá diện tích lúa, các cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng

Tuy nhiên, tại diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản và thực phẩm với Trung Quốc mới đây, bà Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cũng cho hay, lần về nước này bà mang theo đơn hàng sầu riêng lên tới 150.000 tấn. Bà khẳng định thị trường Trung Quốc giờ khó tính ngang với Mỹ và Nhật Bản. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước không nên “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. “Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả số lượng múi không đủ, vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại, ảnh hưởng xấu tới uy tín ngành hàng”, bà My nói.

Nhận định là thị trường lớn và tiềm năng với quả sầu riêng, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, tiết lộ dự tính xuất khẩu 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023.

Tuy nhiên, bà cũng lo lắng về vấn đề chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay. Bởi, vừa qua giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Trong khi thương lái thiếu hàng chấp nhận gom mua tất cả các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.

“Chúng ta mất rất nhiều năm mới có thể xuất khẩu chính ngạch được sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất khẩu để chiếm thị phần, nay lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, chẳng khác nào quay lại thời kỳ tư duy buôn chuyến”, bà My nói và nhấn mạnh, không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm mới xây dựng được.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button