Sáng tạo mâm cúng ngày vía Thần Tài

Ngoài bộ tam sên, nhiều gia đình còn tự tay chuẩn bị thêm nhiều loại lễ vật có tạo hình bắt mắt cho mâm cúng ngày vía Thần Tài.

Sáng tạo mâm cúng ngày vía Thần Tài
Ảnh: Đặng Tài GIỏi.

Dưới đây là một số gợi ý để mâm cúng ngày vía Thần Tài của bạn trở nên bắt mắt và ấn tượng hơn.

Bánh bao túi tiền
Loan Trần

Bản thân tôi rất thích sắp xếp mâm cúng vào ngày rằm, mùng một hay các dịp lễ trong năm. Ngoài bộ tam sên, hoa và trái cây tươi, tôi còn chuẩn bị thêm những chiếc bánh bao hình túi tiền cho mâm lễ ngày vía Thần Tài.

Nguyên liệu:

  • 220 g bột mì đa dụng
  • 20 g đường
  • 3 g men instant (men đã kích hoạt)
  • 155 ml sữa tươi không đường
  • Một ít bột nghệ

Cách làm:

  • Bước 1: Trộn đều hỗn hợp gồm bột, đường, men và bột nghệ.
  • Bước 2: Tiếp tục cho sữa tươi vào và trộn đều. Dùng tay nhồi bột thành khối và cho bột nghỉ 5 phút.
  • Bước 3: Sau khi bột nghỉ, tiếp tục nhồi tới khi bột dẻo mịn và không dính tay (có thể sử dụng máy nhồi bột trong 15 phút).
  • Bước 4: Chia bột đã nhồi thành 3 phần. Cán từng phần bột thành hình tròn, cắt 4 góc và gập các mép lại.
  • Bước 5: Cho nhân vào giữa miếng bột. Túm các mép vào với nhau và tạo hình. Dùng dây vải buộc nhẹ miệng bánh.
  • Bước 6: Sau hình nặn, đem bánh đi ủ 30-40 phút.
  • Bước 7: Sau thời gian ủ, hấp bánh trong vòng 15 phút. Bánh chín có thể buộc thêm dây nơ để trang trí.


Bánh kem túi tiền

Trang Nguyễn

Trên thị trường có khá nhiều đơn vị làm bánh kem tạo hình túi tiền. Tuy nhiên, chủ yếu bánh sẽ có màu vàng. Để không trùng lặp với ai, tôi chọn làm phần kem màu đỏ và điểm thêm vài chi tiết nhỏ hình hoa mai, hoa đào làm điểm nhấn. Cốt bánh tôi sử dụng là cốt bánh bông lan truyền thống.

Bên cạnh đó, tạo hình túi tiền nghiêng sang một bên còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới tiền bạc đủ đầy cho gia chủ.

Sáng tạo mâm cúng ngày vía Thần Tài

Nguyên liệu:

  • 150 g lòng trắng trứng để lạnh
  • 450 g bơ lạt
  • 150 g đường cát trắng, chia làm 2 phần lần lượt là 120 g (A) và 30 g (B)
  • 50 g nước lọc

Cách làm:

  • Bước 1: Cắt bơ thành những cục nhỏ, bỏ vào ngăn mát tủ. Tách lòng trắng trứng, để lạnh.
  • Bước 2: Nấu lượng đường A với nước lọc lửa nhỏ trong nồi đáy dày. Đun đến khi đường tan hoàn toàn.
  • Bước 3: Đánh lòng trắng trứng với lượng đường B đến khi lòng trắng bông mềm (tốc độ đánh trung bình).
  • Bước 4: Nước đường nấu đạt 118-120 độ C thì cho vào phần lòng trắng trứng đã đánh bông. Cho thành từng đợt và đánh ở tốc độ trung bình.
  • Bước 5: Tiếp tục đánh đến khi lòng trắng trứng hạ về nhiệt độ phòng. Bọc kín miệng âu và cho vào tủ đông đến khi hỗn hợp thật lạnh.
  • Bước 6: Lấy âu lòng trắng trứng ra và cho từng chút bơ vào đánh đều. Cho từng ít và duy trì tốc tộ đánh đến khi bơ quyện vào trứng và không còn tách nước là đạt.
  • Bước 7: Trang trí lên cốt bánh đã tạo hình.


Chè trôi nước 3 màu

Đặng Tài Giỏi

Ở quê tôi, chè trôi nước hay còn được gọi là chè viên. Món ăn này thường xuất hiện trong những sự kiện như thôi nôi, đầy tháng hay lễ, Tết.

Những viên trôi nước tròn đầy, bóng bẩy mang ý nghĩa cầu mong sự trôi chảy, tròn trịa trong làm ăn, sum họp, ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Sáng tạo mâm cúng ngày vía Thần Tài

Nguyên liệu:

  • 0,5 kg bột nếp
  • 300 g đậu xanh bóc vỏ
  • Nước cốt dừa
  • Lá dứa
  • Hoa đậu biếc
  • Bí đỏ
  • Đường phèn

Cách làm:

  • Bước 1: Làm bột

– Bí đỏ gọt vỏ, cắt nhỏ rồi mang đi hấp.

– Ngâm hoa đậu biếc lấy nước.

– Bột nếp chia thành 3 phần để làm bột cho 3 màu.

– Nhồi phần bột thứ nhất với nước hoa đậu biếc.

– Nhồi phần bột thứ 2 với nước lọc.

– Nhồi phần bột thứ 3 chung với bí hấp, không thêm nước (có thể cho ít bột năng để cho bột dai hơn).

– Khi nhồi bột phải canh cho bột mềm vừa phải, không quá khô cũng không quá nhão.

– Cho bột nghỉ ngơi một chút.

  • Bước 2: Làm nhân bánh

– Ngâm đậu xanh một tiếng.

– Nấu đậu xanh với nước sấp sấp mặt.

– Khi đậu xanh rút nước và chín mềm cho vào 100 g đường và 100ml nước cốt dừa.

– Sên hỗn hợp này lại cho khô để vo viên. Lưu ý khi sên phải đều tay, không để đậu xanh bị khét.

– Để nguội và vo viên làm nhân.

  • Bước 3: Vo chè

– Lấy phần bột bằng hoặc nhiều hơn một ít so với nhân, vo tròn và ép dẹp.

– Cho nhân vào trong và vo tròn đều tay.

– Để được viên chè tròn thì phải vo đều tay, khéo léo.

  • Bước 4: Nấu chè

– Trước khi nấu phải đun nước sôi, cho chè vào luộc sơ rồi bỏ chè vào trong nước lạnh.

– Đun thêm nước sôi nấu chè.

– Lá dứa đập dập, cuộn lại nấu chung với nước để có mùi thơm nhẹ (không nên cho quá nhiều vì mùi sẽ nồng).

– Cho đường phèn hoặc đường cát theo độ ngọt tuỳ thích. Thả chè vào.

– Nấu đến khi chè nổi lên mặt nước là chín.

  • Bước 5: Làm nước cốt

– Cho nước cốt dừa và 180 ml sữa tươi có đường vào nồi đun sôi.

– Nêm 2 muỗng cà phê đường và một muỗng cà phê muối (có thể gia giảm tùy khẩu vị).

– Pha 1/2 muỗng cà phê bột năng vào nửa chén nước.

– Hạ nhỏ lửa và cho hỗn hợp bột năng vừa pha vào nước cốt dừa để nước cốt sánh lại.

– Tắt bếp và cho thêm một ít mè rang.

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button