Sai phạm của loạt doanh nghiệp đầu tư du lịch ven biển Vũng Tàu

Nhiều doanh nghiệp sử dụng các khu đất ở bãi tắm Thùy Vân suốt nhiều năm nhưng chưa ký hợp đồng thuê, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Liên quan việc UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thu hồi 28 ha đất dọc bãi biển Bãi Sau bị doanh nghiệp “dùng chùa” nhiều năm, Thanh tra tỉnh đã ký quyết định thu hồi gần 400 tỷ đồng của 9 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm về quy trình quản lý, sử dụng đất ven biển và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp.

Thuê đất nhưng không nộp tiền

Theo kết luận thanh tra, năm 1996, UBND tỉnh này giao gần 30 ha đất cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu (hiện là Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau) theo hình thức cho thuê đất trong 50 năm. Doanh nghiệp phải trả tiền thuê gần 1,7 tỷ đồng mỗi năm.

Quá trình triển khai hợp đồng, chủ trương ban đầu của tỉnh là cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân, sau đó công ty nộp tiền thuê đất cho Nhà nước để thu hút đầu tư xây dựng. Nhưng trên thực tế, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu và các đơn vị thứ phát thuê đất không nộp tiền.

Công ty xây lắp và các doanh nghiệp thứ phát đã thuê, sử dụng đất gần 10 năm tại bãi Thùy Vân nhưng chưa ký hợp đồng thuê và không nộp tiền thuê đất.

Sai phạm của loạt doanh nghiệp đầu tư du lịch ven biển Vũng Tàu
Nhiều resort sang trọng được xây dựng ven biển Vũng Tàu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cơ quan thanh tra làm rõ giai đoạn 2006-2017, tổng số tiền 9 doanh nghiệp thuê đất phải thanh toán là 355,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị mới chỉ nộp hơn 46 tỷ đồng. Như vậy, số tiền nợ còn tồn đọng là hơn 309 tỷ đồng.

Trong kết luận, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ doanh nghiệp còn nợ khoản tiền thuê đất nhiều nhất là Công ty CP Du lịch tỉnh (hơn 94,6 tỷ đồng). Đơn vị nợ ít nhất là Công ty TNHH Janhold-OSC (trên 4,4 tỷ đồng).

Ngoài những tồn tại trên, cơ quan thanh tra xác định các đơn vị thuê đất thứ phát còn cho nhiều tổ chức, cá nhân khác thuê hạ tầng, mặt bằng tại Bãi Sau để kinh doanh dịch vụ và thu tiền. Trong đó, Công ty CP Du lịch tỉnh và OSC Việt Nam đã làm trái quy định của UBND tỉnh.

Đáng chú ý, Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, Công ty CP Khách sạn du lịch Tháng Mười và Công ty TNHH Janhold-OSC còn liên kết, chuyển nhượng tài sản, cổ phần hóa từ đơn vị thứ phát nhưng lại sử dụng đất, mặt bằng bãi tắm rồi cho đối tác khác thuê lại.

Kiến nghị xử lý hàng loạt sở, ngành

Theo thanh tra, hầu hết hạng mục xây dựng hạ tầng tại Bãi Sau do ngân sách Nhà nước đầu tư. Trong đó, 2 công trình phục vụ kinh doanh được UBND tỉnh giao vốn và quản lý sử dụng cho doanh nghiệp với tổng mức đầu tư 25,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sử dụng công trình chưa nộp tiền thuê hạ tầng. Thanh tra kiến nghị thu hồi để trả lại ngân sách.

Sai phạm của loạt doanh nghiệp đầu tư du lịch ven biển Vũng Tàu
Trung bình mỗi năm, Bà Rịa – Vũng Tàu đón 15-16 triệu lượt khách du lịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đối với chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC (tiền thân là Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu), thanh tra cho rằng đơn vị này được tỉnh giao đất ở bãi tắm Thùy Vân nhưng không làm đúng vai trò đầu mối cho thuê, quản lý đất với đơn vị thứ phát.

Bên cạnh đó, VRC cho Công ty Du lịch tỉnh thuê hạ tầng có phần vốn do Nhà nước đầu tư tại khu đất hơn 30.000 m2 tại bãi Thùy Vân, sau đó chuyển từ hợp đồng thuê thành hợp đồng chuyển nhượng tài sản để thành lập Công ty Nghinh Phong là trái quy định.

Kết quả thanh tra nêu rõ sau khi được thành lập, việc đầu tư mua tài sản, đầu tư xây dựng và kết quả hoạt động của Công ty Nghinh Phong lỗ. Trách nhiệm thuộc về ông Trần Tuấn Việt (nguyên Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tỉnh) và Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những nội dung liên quan.

Đối với các nhà đầu tư thứ phát và đơn vị liên doanh hay cổ phần hóa kế tiếp, cơ quan thanh tra xác định những doanh nghiệp này sử dụng đất, hạ tầng tại Bãi Sau nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Thậm chí, có những đơn vị cho thuê lại mặt bằng hay xây dựng trái phép.

Sau những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành quyết định thu hồi để nộp ngân sách Nhà nước tổng số tiền gần 400 tỷ đồng của 9 doanh nghiệp liên quan.

Về trách nhiệm, thanh tra kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh và đơn vị liên quan xem xét trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP Vũng Tàu qua các thời kỳ, Chi cục Thuế Vũng Tàu, và Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu (nay là VRC).

Nguồn: Zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button