Rượu Sim rừng Bảo An – Khát vọng từ những đồi hoa Sim

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Rượu Sim rừng Bảo An từng bước trở thành mô hình “Nông nghiệp Xanh” điển hình của địa phương, góp phần quan trọng vào mục tiêu chung xây dựng diện mạo nông thôn kiểu mẫu của xã Hoằng Xuân nói riêng và huyện Hoằng Hóa nói chung.

Tìm hướng đi mới trên vùng bán sơn địa

Chị Nguyễn Thanh Hà, tuổi thơ của chị vốn gắn bó với đồng bào dân tộc (huyện Lang Chánh) tỉnh Thanh Hóa. Năm 2012 chị tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hồng Đức Thanh Hóa rồi lập gia đình và sinh sống cùng gia đình chồng tại thôn Đại Điền xã Hoằng Xuân huyện Hoằng Hóa, đây là vùng bán sơn địa nơi có di tích “Phủ Vàng Linh Từ” thờ phụng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh (một trong 4 vị thần tứ bất tử của Việt Nam). Tuổi thơ của chị với những ngày hè rong ruổi trên những dốc núi sườn đồi, thưở còn cắp sách đến trường chị đã từng được đọc và nghe bài thơ, bái hát:  “Những đồi hoa Sim, ôi những đồi hoa Sim tím chiều hoang biền biệt…” của nhà thơ Hữu Loan, bài hát mang đượm nỗi buồn của đôi lứa yêu nhau.

Xã Hoằng Xuân, huyện hoằng Hóa, có địa hình hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố: Đồng bằng, sông nước, đặc biệt đây là vùng bán sơn địa với 05 quả đồi trải dài hơn 50 km nối liền ba huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc và Hà Trung. Những yếu tố tự nhiên này đã góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc, đa màu trong đời sống kinh tế văn hóa, tâm linh của con người dân nơi đây. Chẳng biết từ bao giờ mà Sim rừng mọc tự nhiên rất nhiều và nằm xen lẫn trong những tán lá Bạch Đàn. Cứ vào độ chạm hè tháng 4 và tháng 5 mùa hoa Sim nở tím cả một góc trời và đến tháng 7 thì Sim chín, món quà nhỏ của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này lại được bà con quanh vùng thu lượm. Quả Sim một phần để ăn, một phần để bán.

Rượu Sim rừng Bảo An – Khát vọng từ những đồi hoa Sim

Tuy nhiên, do Sim chín rộ và tập trung vào cùng một thời điểm, việc thu hoạch còn mang tính tự phát, đầu ra cho quả Sim không ổn định nên giá trị không cao cũng chỉ giao động từ 5000 đồng đến 10.000 nghìn đồng/kg.

Những mùa Sim chín, chị Hà cũng như bao người dân khác trong vùng mới đầu chị hái Sim về chỉ để ngâm làm thứ thuốc uống thông thường và ngậm rượu phục vụ cho gia đình. Thấy chồng và các bạn của anh uống thử và khen ngon trong đầu chị đã sớm nung nấu ý tưởng phải biến thứ quả này “trở thành một đặc sản của địa”.

Nghĩ là làm, ban đầu chị tìm kiếm trên các trang mạng để hiểu về tác dụng của quả Sim rừng chị tâm sự: Theo các tài liệu khoa học Cây sim tên khoa học (Rhodomyrtus tomentosa Wight) thuộc họ Sim, Hoa của loài cây này màu hồng tím, mọc riêng lẻ hoặc tập trung ở kẽ lá… quả mọng, có màu tím sẫm khi chín, ăn ngọt, có nhiều hạt nhỏ. Đây là dược liệu quý.  Đông y cho rằng  Sim có tính bình, vị ngọt chát, rất tốt đối với việc chỉ huyết, dưỡng huyết, cố tinh, sáp trường. Bên cạnh đó trong quả Sim có hàm lượng lớn chất xơ (gần 70%) nên rất tốt đối với cải thiện triệu chứng táo bón, giúp nhuận tràng, phòng chống oxy hóa, nhờ có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao nên nước uống từ quả sim có thể khiến cho da trở nên mịn màng và hồng hào hơn. Nước uống từ quả sim giúp giải nhiệt, thanh lọc rất tốt. Đặc biệt, khi tham gia các hoạt động thể lực mạnh, đem lại cảm giác khỏe khoắn cho cơ thể. Đối với phụ nữ:  Uống trà từ quả sim mỗi ngày sẽ giúp An thai, bổ máu tăng cường tạo máu, phòng ngừa tình trạng suy nhược và chống xuất huyết. Quả sim còn chứa nhiều dưỡng chất làm tăng cảm giác ngon miệng, nhờ đó mà giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Đối với nam giới, quả sim có tác dụng điều trị xuất tinh sớm, yếu sinh lý, tăng cường sinh lực và bổ sung khí huyết…

Để tận mắt chứng kiến chị Hà không quản đường xa vào tận vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Đà Lạt… để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình Rượu Sim đã thành công và được nhân rộng.

Lửa thử vàng gian nan thử sức

Năm 2020, sau khi đã lĩnh hội được nhiều kiến thức và những kinh nghiệm bổ ích, chị bàn bạc với gia đình về ý tưởng mở xưởng sản xuất rượu Sim rừng tại địa phương, ý tưởng của chị đã được nhiều người tán đồng và cái tên rượu Sim rừng Bảo An đã chính thức ra đời. Để sản phẩm rượu Sim rừng Bảo An mang những nét đặc trưng riêng không lẫn với các sản phẩm cùng dòng thì từ khâu chọn quả Sim, chum ngâm, ủ rượu, gạo, men ủ, và hệ thống xử lý thiết bị chưng cất rượu, lọc Andehit, methanol bằng điện… Mọi công đoạn đều được chị lựa chọn, kiểm tra rất tỉ mĩ và tuân thủ đúng quy trình.

Chị Hà chia sẻ: “Ban đầu gia đình đầu tư khoảng 300 triệu đồng, tự mình ra Bát Tràng đặt loại Chum dày, bên trong không tráng men để đảm bảo khi ngâm ủ không bị nhiễm khuẩn và luôn giữ được vị cốt tự nhiên của Sim rừng. Gạo để nấu ra rượu trắng là gạo nếp, kết hợp men thuốc bắc, sau 15 đến 30 ngày ủ men sẽ dùng nhiệt chưng cất thành rượu trắng, khử độc tố trong rượu. Đối với quả Sim rừng, có rải rác ở nhiều đồi nhưng tập trung nhiều nhất là vùng thôn Trà Là có khoảng 500ha, Sim hoàn toàn tự nhiên, quả nhỏ và đều đặc biệt Sim rừng vùng này có vị rất ngọt và thanh, sau khi thu hoạch rửa thật sạch để ráo hết nước và cho vào ngâm cùng rượu trắng với thời gian ngâm từ 6 tháng đến 1 năm cho thành phẩm”.

Rượu Sim rừng Bảo An – Khát vọng từ những đồi hoa Sim
Chị Nguyễn Thanh Hà chủ cơ sở sản xuấ rượu Sim rừng Bảo An

Những thành quả bước đầu

Đất và cây vùng “bán sơn địa” đã không phụ lòng người từ những chum rượu đầu tiên sau một năm chờ đợi đã đến tay người tiêu dùng: Rượu sim không độ, rượu Sim 10 độ, 20 độ, 30 độ lần lượt được lan tỏa không chỉ trong huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mà còn đến nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Vào chính vụ Sim, trung bình gia đình chị thu mua từ 10 đến 16 tấn quả Sim, sản xuất thành phẩm 40.000 lít đến 50.000 lít rượu các loại. Xưởng sản xuất của chị lúc chính đã tạo việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định. Năm 2022 sản phẩm rượu Sim rừng Bảo An đã được công nhận xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP.

Ưu điểm vượt trội rượu Sim Rừng Bảo An

Một là: Rượu Sim rừng Bảo An có hương vị đặc trưng riêng không lẫn với bất kỳ dòng rượu khác được ngâm ủ từ Sim đó là: Rượu luôn dung hòa ba vị vị chát, vị chua và vị ngọt, ba vị này hòa quện vào nhau để mỗi khi khách hàng nhấp chén rượu đều cảm nhận được một chút cay nồng của rượu nếp, thêm một chát nhẹ của đặc tính quả Sim và vị ngọt của men thuốc hòa lẫn một vị ngọt của quả Sim.

Hai là: Rượu Sim được ngâm, ủ từ gạo nếp và men thuốc Bắc theo kí kíp riêng và được phân khúc thành nhiều loại như; Rượu Sim không độ, 10 độ, 20 độ, 30 độ và sắp tới còn có cả sản phẩm Sim tươi hút chân không, nước uống bổ dưỡng từ quả Sim … các sản phẩm này phù hợp với nhiều lứa tuổi người trẻ, người già đều có thể sử dụng trong mỗi bữa cơm thường nhật hay có thể làm món khai vị tại các sự kiện lớn, đặc biệt là đối với chị phụ nữ.

Ba là: Rượu Sim Bảo An với mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp phong phú đẹp, ưa nhìn về hình thức, thân thiện với môi trường và rất tốt cho sức khỏe. Màu sắc tím của Sim rừng quện hòa màu trắng trong của rượu nếp và màu nâu hồng của vị thuốc Bắc đã tạo ra một màu trung tính chung mà mỗi lần khách hàng nhìn vào sản phẩm rượu Sim đều toát lên sự gần gũi, ấm cúng và quen thuộc của tự nhiên. Hơn nữa giá thành sản phẩm rất gần với người tiêu dùng trung bình mỗi lít rượu Sim chỉ từ 70.000đ đến 120.000đ/lít theo từng loại.

Cần lắm những cơ chế và chích sách đặc thù để trong tương lai gần sản phẩm OCOP rượu Sim Rừng Bảo An trở thành mô hình điểm “Biến đồi Bạch Đàn xen lẫn những khóm Sim trở thành đồi Sim tím”.

Rượu Sim rừng Bảo An – Khát vọng từ những đồi hoa Sim
Sản phẩm rượu Sim rừng Bảo An đã được công nhận xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP từ năm 2022

Trao đổi với (PV- DĐDN) ông Nguyễn Văn Tài – Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân cho biết: “Đây là mô hình mới có nhiều triển vọng và phù hợp với định hướng phát triển KTXH của địa phương nói riêng và toàn huyện nói chung. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, mô hình “Nông nghiệp xanh” do vậy địa phương luôn kịp thời động viên và khuyến khích, tuyên truyền bà con tích tụ đất đai sẵn có, mở rộng diện tích trồng Sim rừng tự nhiên. Từ chỗ giá Sim chỉ 15.000đồng/1kg đến nay bà con đã tăng giá trị gấp hơn 2 lần 35.000đồng/1kg”.

Ông Lê Trọng Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hoằng Hóa cho rằng: Với chủ trương chung của tỉnh Thanh Hóa, mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có 45 sản phẩm OCOP, trong đó 01 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao; 02 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao… Chủ trương của lãnh đạo UBND huyện, phòng Nông nghiệp trong thời gian sớm nhất sẽ trình UBND tỉnh công nhận sản phẩm rượu Sim rừng Bảo An đạt chuẩn cấp độ 4 sao đây sẽ là một động lực, một nhân tố góp phần quan trọng vào mục tiêu chung xây dựng diện mạo nông thôn kiểu mẫu của xã Hoằng Xuân theo hướng phát triển xanh kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh.

Nhìn nụ cười mãn nguyện, chất giọng nhẹ nhàng của người con vốn lớn lên trên miềm sơn cước. Sau khi kiểm tra chum rượu chuẩn bị xuất xưởng chị Hà hướng mắt nhìn về phía đền Phủ Vàng và dòng sông Mã lượn quanh chị nhỏ nhẹ chia sẻ: “Đến với nghề này không chỉ và cái duyên mà còn là niềm đam mê và sự sẽ chia, mỗi lần nhìn bà con và các cháu nhỏ lặn lội hái từng quả Sim rừng ngày nắng còn bán được ngày mưa gió không bán được tôi đau đáu với câu hỏi tại sao? chúng ta không tìm ra cách giúp họ? phải làm cái gì đó để vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa nâng cao giá trị quả Sim rừng”. Ròng rã kiếm tìm đến giờ cơ bản tôi đã thành công bước đầu, hiện tại gia đình đã đầu tư khoảng 3 tỷ để mở rộng sản xuất và tiếp tục nâng cấp sản phẩm rượu Sim rừng Bảo An lên thành sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 5 sao.

Theo định hướng của huyện Hoằng Hóa, sẽ phát triển vùng Kim, Quý, Xuân trong giai đoạn 2025-2030 thành một cực tăng trưởng kinh tế xanh của huyện. Trong thời gian không xa tuyến đường nối vào cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn đưa vào hoạt động, Đền Phủ Vàng khu di tích tâm linh của xã Hoằng Xuân được đầu tư và mở rộng sẽ tạo ra một diện mạo mới trên vùng đất bán sơn địa này. Du lịch đường sông Hàm Rồng – Phủ Vàng – Cô Bơ… sẽ tạo thành chuỗi du lịch văn hóa và tâm linh.

Rượu Sim rừng Bảo An – Khát vọng từ những đồi hoa Sim
Đền Phủ Vàng khu di tích tâm linh của xã Hoằng Xuân

Kỳ vọng trong thời gian không xa khi mà mô hình rượu Sim Bảo An được mở rộng quy mô đầu tư thì vùng đất bán sơn địa này không chỉ là vùng đất của những đồi Bạch Đàn truyền thống mà sẽ dần được thay thế và khoác lên mình bằng những đồi Sim tím bạt ngàn. Những bông hoa Sim tím không chỉ trở thành những bó hoa thủy chung dâng lễ lên Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào những ngày tuần tiết mà quả Sim trở thành một món ẩm thực được lan tỏa theo bước chân của du khách thập phương. Và một ngày không xa đất và người Hoằng Xuân sẽ tạo nên một bức tranh thật hữu tình, đằm thắm, thủy chung, và nhà thơ Hữu Loan cũng thấy mãn nguyện khi quê hương xứ xở, nơi mình sinh ra lại có những đồi Sim tím đẹp đến vây.

Đỗ Long

Bài Viết Liên Quan

Back to top button