Quyết tâm giải ngân nguồn vốn đầu tư công
Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân và để làm được điều đó thì cần phải quyết liệt, “làm hết việc, không hết giờ”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 235 ngày 14/3/2023 thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
So với năm 2022, thì việc thành lập các Tổ công tác của Chính phủ sớm hơn (Quyết định số 548 ngày 2/5/2022). Điều đó cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công trong năm nay, một năm được cho là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thực tế, nước ta vừa trải qua đại dịch COVID-19 với nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khiến cho các doanh nghiệp khó khăn, người lao động thiếu việc làm. Trong bối cảnh chung đó, vốn đầu tư công từ Nhà nước là một cứu cánh có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong khi Trung ương đã hết sức cố gắng để bố trí được ngân sách đầu tư lớn hơn năm trước, thì công tác giải ngân lại gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng, tiến độ.
Thời điểm kết thúc tháng 1/2023 cũng là lúc đóng sổ giải ngân đầu tư công. Về tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính đánh giá tỷ lệ ước giải ngân đến hết tháng 1/2023 đạt 80,63% kế hoạch, tương ứng giải ngân gần 540.000 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 92,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (95,11%);
Cần biết, năm vừa qua, người đứng đầu Chính phủ thường xuyên dành những ngày nghỉ cuối tuần đến thị sát, kiểm tra các dự án, công trình đang có tiến độ giải ngân chậm để đôn đốc và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Có 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành tài chính và kế hoạch và đầu tư làm tổ trưởng cũng thường xuyên có những cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương được phân công để kịp thời nắm bắt những khó khăn và đôn đốc tiến độ. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cùng nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương chậm trễ triển khai, dẫn đến kéo lùi tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 27/52 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, đáng nói trong đó có 8 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: “Trước đây khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá: “Đầu tư công được giải ngân chậm đã kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế một cách tương đối. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được khai thông, chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế sẽ còn cao hơn nữa”.
Có thể thấy, vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới… nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Và nhìn nhận ở mặt tích cực về việc vốn đầu tư công giải ngân chậm cũng có nghĩa là các cơ chế kiểm soát vốn đang hoạt động rất tốt và chặt chẽ, đảm bảo hạn chế tiêu cực, lãng phí.
Có điều, giới phân tích cho rằng năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, lên đến 756.111 tỷ đồng, chưa kể kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn năm nay.
Trước áp lực giải ngân nguồn vốn và rất nhiều công trình lớn của đất nước đang được triển khai. Đặc biệt, những dự án có quy mô lớn, thủ tục và khối lượng công việc phải làm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị… Khâu tổ chức quản lý, triển khai thực hiện mọi thứ phải làm đúng theo quy định.
Dẫu vậy, nên cụ thể trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân tham gia dự án. Chậm ở khâu nào, có cá nhân chịu trách nhiệm, liền có người theo dõi phối hợp giải quyết. Đồng thời, nếu chỉ chăm chăm căn cứ vào các kế hoạch, văn bản đã được duyệt và nếu thiếu những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì không giải quyết được nhiều vấn đề gai góc về vốn đầu tư công hiện nay.
Người viết xin dẫn những trăn trở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, rằng: Làm sao để vượt qua khó khan, nhưng vẫn đáp ứng đúng quy trình thủ tục pháp luật là điều làm nên năng lực và bản lĩnh của những cán bộ thực thi! Làm sao để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, làm sao để các chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào đời sống là điều mà mỗi người cán bộ phải luôn trăn trở!
Thế nên mới nói, việc thành lập các Tổ công tác của Chính phủ năm 2023 sớm hơn năm 2022 nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã cho thấy quyết tâm “tiêu tiền” đúng mục đích, vì lợi ích quốc gia của Chính phủ.
Qua đây cũng cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang làm xuất sắc vai trò “nhạc trưởng” của mình khi chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối tổ chức thực hiện, kịp giải quyết các trở ngại, xác định những việc cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền nhằm hoàn tất theo đúng lộ trình giải ngân vốn đầu tư công.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp