Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý
Trước những bất ổn trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, theo chuyên gia, phải quy định một cơ quan trung gian quản lý hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa Quỹ này…
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục “nóng” lên bởi tình trạng chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đặc biệt, thông qua các vụ việc không ít “lỗ hổng” liên quan đến quản lý Quỹ này đã lộ diện, gây nguy cơ thất thoát, bị chiếm dụng, khó thu hồi.
Đơn cử như, vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil om hàng trăm tỷ đồng tiền Quỹ, nhưng chỉ tới khi lãnh đạo công ty bị bắt thì vấn đề này mới được phát hiện. Hay vụ việc Công ty CP Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt cũng chỉ mới trích lập một phần Quỹ, số còn tiền còn lại công ty này đã chiếm đoạt.
Mới đây nhất vụ việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với khoản tiền gần 270 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu đã bị Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Long Biên cấn trừ nợ và vẫn chưa trả lại cũng được cho là một trong những bài học nhãn tiền liên quan đến công tác quản lý.
Trước hiện trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả hơn đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn & Phản biện chính sách, Hội Các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đang thiếu một cơ chế thực sự bảo đảm quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, “Nghiêm cấm sử dụng quỹ bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác” nhưng quy định như trên chỉ có giá trị khuyến nghị, giống như “thả gà ra đuổi”, vì không hề có cơ chế, biện pháp cụ thể cần thiết để bảo đảm rằng nó phải được giữ nguyên trên thực tế.
Từ đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, lẽ ra, phải quy định một cơ quan trung gian quản lý Quỹ này hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa Quỹ này.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viên Tài chính, cơ quan quản lý cần giám sát Quỹ, trong đó kết hợp cả hình thức giám sát gián tiếp và trực tiếp. Đối với hình thức gián tiếp, định kỳ hàng tháng (có thể vào ngày 15 hàng tháng), thương nhân đầu mối phải báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Quỹ của tháng trước liền kề và báo kết quả thực hiện từng kỳ điều hành thu chi của Quỹ.
Đối với hình thức trực tiếp, Bộ Công Thương cần áp dụng công nghệ kết nối thông tin về quỹ với các thương nhân đầu mối và với ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản để kiểm soát di biến động của dòng tiền.
Để tăng tính răn đe trong thực hiện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất, doanh nghiệp vi phạm nhẹ thì xử lý hành chính, nặng hơn thì không cho phép tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đối với doanh nghiệp chiếm đoạt Quỹ, khởi tố hình sự và trừng phạt theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, khuyến nghị giải pháp trong quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, trước hết phải minh bạch hoạt động trích lập Quỹ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tiền trích lập được gửi vào tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu được đăng ký tại ngân hàng. Từng số liệu trích lập được báo cáo cụ thể, có sự kiểm tra, xác minh của cơ quan quản lý, những việc này cần khai thác các ứng dụng công nghệ, để kiểm soát từng con số liên quan đến sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, không thể sai lệch hoặc cố tình gian dối.
Về sử dụng Quỹ, theo ông Thỏa, tiền không phải của doanh nghiệp, chỉ sử dụng cho hoạt động bình ổn giá xăng dầu, nên ngoài hoạt động bình ổn giá xăng dầu theo thông báo của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, doanh nghiệp không có quyền động đến quỹ với bất kỳ lý do nào khác, ngân hàng sẽ giám sát và thông báo cho cơ quan quản lý khi có dấu hiệu sai phạm.
Được biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá. Quỹ này hiện được điều chỉnh bởi quy định tại Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, và theo Thông tư, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Mới đây, tại văn bản chỉ đạo sửa Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Phó thủ tướng Chính phủ – Lê Minh Khái cũng yêu cầu nghiên cứu các quy định theo hướng quản lý, giám sát Quỹ bình ổn giá và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan.