Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là chủ trương của tỉnh Quảng Ninh nhằm thực hiện tốt chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Thực trạng
Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn Quảng Ninh phải đối diện với những khó khăn do tác động suy thoái kinh tế chung, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang phải gồng mình đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhiều công trình xây dựng bị hoãn, giãn tiến độ nên gây tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường nội địa. Nguồn vốn vay hạn hẹp, lãi suất cao, sản phẩm ế ẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cung – cầu vật liệu xây dựng bị xáo trộn, doanh nghiệp phải điều chỉnh sản lượng, giảm giá thành sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thực trạng không đủ vốn nên phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, hoạt động cầm chừng.
Năm 2017, Nhà máy gạch của Công ty CP Thanh Tuyền Group có vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, quy mô rộng trên 8ha tại xã Bình Khê – TX Đông Triều đi vào hoạt động. Nhà máy có hai dây chuyền tự động công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, châu Âu sản xuất 3 sản phẩm chính: Gạch xây, công suất 60 triệu viên/năm; ngói màu, công suất 20 triệu viên/năm và gạch terrazzo lát vỉa hè, công suất 1 triệu m²/năm. Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, sản phẩm gạch không nung Thanh Tuyền đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đầu ra sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra một số tỉnh, thành lân cận, như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang… Nhà máy hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, Nhà máy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Theo lãnh đạo Công ty CP Thanh Tuyền Group, năm 2023, Công ty phấn đấu sản xuất 60 triệu viên gạch xây; 300.000m² ngói màu và 500.000m² gạch lát vỉa hè. Riêng quý I/2023, đơn vị mới hoàn thành 20% sản lượng kế hoạch năm. Khó khăn lớn nhất đó là từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh số công trình đầu tư công khởi công ít cộng với các dự án bất động sản đang gặp khó khiến sức tiêu thụ vật liệu xây dựng sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, thời điểm này, các công trình xây dựng của người dân ít hơn so với mọi năm. Hiện nay, Nhà máy đang bị tồn khoảng 5 triệu viên gạch xây. Không những vậy, giá nguyên vật liệu đầu vào như xi măng, đá mạt, tro xỉ tăng 5-10% kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Với tình hình này kéo dài, doanh nghiệp chỉ dám duy trì sản xuất cầm chừng, khả năng chỉ hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm 2023.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng và 26 doanh nghiệp sản xuất gạch ngói. Đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VLXD rơi vào tình trạng khó khăn tương tự như Công ty CP Thanh Tuyền Group. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn ngoài chịu tác động ảnh hưởng dịch COVID-19 còn bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chung; giá vật liệu, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng và sức tiêu thụ giảm mạnh. Từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu xi măng được dự báo tiếp tục sụt giảm, do sức cầu vật liệu xây dựng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và những rào cản thương mại các nước nhập khẩu dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước. Thực tế này buộc doanh nghiệp xi măng phải vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường.
Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh, hiện giá than cục, than cám đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước ngày 17/3/2022. Trước đó, giá than chỉ 3,4 triệu đồng/tấn nhưng nay đã tăng hơn 6 triệu đồng/tấn. Điều này khiến cho giá gạch tăng cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng của người dân đang giảm nên lượng gạch tồn kho của nhiều công ty đang rất lớn.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp, hiện nay việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vật liệu xây dựng trong thời gian này sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, từng bước phục hồi và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Triển khai các giải pháp tháo gỡ
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD. Trong đó, yêu cầu các địa phương rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư, tạo điều kiện tối đa đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tỉnh khuyến khích các dự án, nhà thầu, trạm trộn bê tông sử dụng xi măng, các sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình và kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, biến động về giá, nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, mới đây ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi họp nghe báo cáo về một số vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng trên địa bàn TX Đông Triều.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ trong hoạt động sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng về: Tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ đất sét sản xuất gạch, ngói; xem xét cho các doanh nghiệp đã được cấp mỏ được khai thác tăng sản lượng để bán cho các nhà máy trong thời gian chờ tỉnh cho phép đấu giá các mỏ đất sét để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong sản xuất; cho phép các doanh nghiệp được mua bã sàng, đá xít thải tại các mỏ than để phục vụ sản xuất; tăng thời hạn vận chuyển than, xít; xem xét gia hạn thuê đất và cấp giấy phép khai thác khoáng sản…
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo của các sở, ngành, ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đã đề nghị các sở, ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp.
Theo ông Huy, để gỡ khó cho các doanh nghiệp đối với việc đấu giá mỏ đất sét, ông Huy yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và TX Đông Triều cần phải rà soát lại nhu cầu sử dụng đất sét của các doanh nghiệp theo từng năm và xây dựng các chiến lược dài hạn, báo cáo lại tỉnh để xem xét và đưa ra lộ trình tổ chức đấu giá hợp lý.
Đối với việc tăng sản lượng khai thác, các sở, ngành liên quan cần hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các thủ tục, thời gian thực hiện để doanh nghiệp hiểu được và thực hiện đúng với quy định hiện hành. Đối với thời gian vận chuyển than, xít, đồng chí yêu cầu Sở Giao thông Vận tải rà soát các điều kiện vận chuyển theo quy định để báo cáo tỉnh xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh xác định phải bắt đầu từ việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trên cơ sở đó, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động khu vực công, một trong những hoạt động thường xuyên của tỉnh trong những năm qua là trực tiếp các lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn