Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội

Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp sản phẩm miền núi với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội năm 2024. Sự kiện diễn ra từ ngày 20 – 22/12/2024 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đây là hoạt động quảng bá, xúc tiến và kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm sản phẩm miền núi, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và du lịch tỉnh Quảng Nam với người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; nhằm hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miền núi, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, cũng như phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam nhanh, hiệu quả, bền vững. Sự kiện thu hút sự tham gia của các đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP, sản phẩm miền núi, sản phẩm đặc trưng, làng nghề…

Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội
Trưng bày, quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội năm 2024

Theo ban tổ chức cho biết, các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến nay đã cấp được Giấy chứng nhận OCOP có 407 sản phẩm (nhóm thực phẩm 302, đồ uống 32, dược liệu, sản phẩm từ dược 24, thủ công mỹ nghệ 47, Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng du lịch sinh thái và điểm du lịch 2), trong đó có 61 sản phẩm đạt 4 sao, 346 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.

Hiện nay trên địa bản tỉnh, có 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), 164 hộ sản xuất. Các chủ thể tham gia Chương trình ngày càng quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao. Bên cạnh đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cũng được chú trọng hơn đồng thời giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương, doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình.

Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội
Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy

Đai diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Với tinh thần đồng hành cùng các chủ thể sản xuất sản phẩm, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại với mục đích để các bên (nhà cung cấp, các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại) lắng nghe được những nhu cầu, điều kiện, những cơ hội cũng như khó khăn, vướng mắc. Qua đó, kịp thời giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những điều chỉnh các quy định phù hợp hơn”.

Ngoài ra, Hội nghị kết nối giao thương lần này, Ban tổ chức đã bố trí khu trưng bày về cây Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm làm từ cây Sâm Ngọc Linh. Về điều kiện tự nhiên, cây Sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển tốt tại Quảng Nam và tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển, chế biến các sản phẩm từ Sâm.

Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội
Khu trưng bày về cây Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm làm từ cây Sâm Ngọc Linh của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP Quảng Nam

Tính đến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam đã được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 – 2.000 m là 13.329 ha). Cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích.

Trên cơ sở diện tích quy hoạch trên, Quảng Nam đã tiến hành trồng cây Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 1.243,00 ha (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My). Ngoài các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia đầu tư trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam hiện còn 02 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn Sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.

Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội
Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển, chế biến các sản phẩm từ Sâm

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, khi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dược liệu nói chung và đặc biệt là sâm Ngọc Linh sẽ được hưởng một số ưu đãi như hỗ trợ kinh phí khi xây dựng nhà máy, thuế thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài…

Để tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu cây Sâm Ngọc Linh, giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh phù hợp với thị trường, nhu cầu cũng như năng lực tiếp cận của các thành phần xã hội. Từ đó, tạo ra cơ sở để hình thành chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giúp Sâm Ngọc Linh từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button