Quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn về giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Đây là một trong những vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tại báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình.

“Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Theo Bộ trưởng, kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp là các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, đã tiếp tục thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác pháp luật, tư pháp.

Kết quả này đã góp phần quan trọng, trước mắt và lâu dài vào công cuộc kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu một số hạn chế, như chất lượng một số dự án luật chưa cao. Còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề cập việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Bên cạnh đó là giải pháp chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích

Toàn cảnh phiên họp.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.

Quy trình soạn thảo cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.

Bình luận về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng khả năng tác động vào hoạt động lập pháp hoàn toàn có thể xảy ra thông qua việc vận động không chính đáng vào việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua chính sách trong các dự án luật, nghị quyết, việc vận động phát biểu, chất vấn, vận động bỏ phiếu, bầu cử…

“Do đó, việc đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật là cần thiết”, ông Cường nói.

Để nhận diện lợi ích nhóm trong chính sách, pháp luật, theo ông Cường đối với mỗi chính sách cần làm rõ chính sách đó làm lợi cho ai? Có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không? Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện “mờ ám”, tiêu cực không? Có vì lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc không, hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người, thì lợi ích đó có chính đáng không?

Còn theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, quá trình xây dựng luật còn một số bất cập, trong đó có tình trạng kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích.

“Hiện nay ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật nên cách nhìn không khách quan. Cơ cấu ban soạn thảo cần thay đổi theo hướng có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và diện trực tiếp chịu điều chỉnh”, ông Vân góp ý.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button