QNP chào sàn tím 9 phiên nhưng thanh khoản èo uột, vì sao?

Cổ phiếu QNP- Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn – tiếp tục dậy sóng với 09 phiên liên tiếp kể từ lúc chào sàn HoSE, nhưng giao dịch ghi nhận kém sôi động.

QNP chào sàn tím 9 phiên nhưng thanh khoản èo uột, vì sao?

Cổ phiếu QNP chào sàn 10 phiên trong sắc tím nhưng thanh khoản èo uột

Chỉ số VN-Index giằng co mạnh tại ngưỡng kháng cự 1.180-1.181 cùng sự trồi sụt của nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên gần cận Tết. Tuy nhiên cổ phiếu QNP lại ngược dòng và duy trì đà đi lên bền vững. Chốt phiên 30/1, cổ phiếu QNP ghi nhận phiên kịch trần thứ 09 liên tiếp. Đây cũng đồng thời là 09 phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu QNP trên sàn HoSE, thị giá theo đó tăng thêm 100%, từ vùng giá chào sàn 19.500 đồng/cp lên 39.550 đồng/cp, đưa vốn hoá của doanh nghiệp tăng mạnh. Điều đáng lưu ý là cổ phiếu tăng kịch trần 09 phiên liên tiếp, tuy nhiên thanh khoản giao dịch chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Phiên giao dịch ngày 30/1, QNP chỉ có 24.800 cổ phiếu được khớp lệnh; Phiên giao dịch ngày 29/1 có 22.400 cổ phiếu khớp lệnh; Phiên ngày 26/1 chỉ 7.900 cổ phiếu được trao tay; Phiên ngày 25/1 có 10.000 cổ phiếu được trao tay… Các phiên còn lại thì chỉ từ 100-200 cổ phiếu được mua bán khớp lệnh/ phiên. Điều này cho thấy dù 09 phiên giao dịch đều tăng kịch trần, song thanh khoản èo uột khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ cổ phiếu QNP lại “bẫy” nhỏ lẻ…

QNP chào sàn HoSE vào ngày 18/1 với 40,4 triệu cổ phiếu, kể từ đó tới hiện tại thị giá đều đóng cửa trong sắc tím. Đà tăng mạnh khiến QNP phải giải trình về giá cổ phiếu. Văn bản phía doanh nghiệp cho biết, cổ phiếu tăng mạnh do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. QNP cũng cam kết không có sự tác động nào ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo Báo cáo tài chính mới công bố, QNP ghi nhận doanh thu 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp công ty lãi gộp hơn 60 tỷ đồng, tăng 44,2%. Lợi nhuận gộp cùng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 57%, theo đó QNP báo lãi sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng, EPS tăng từ âm 767 đồng lên 572 đồng. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, do trong quý IV/2023 công ty đã giảm được chi phí dự phòng giúp lợi nhuận của công ty tăng.

Lũy kế năm 2023, QNP ghi nhận 938 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 112,3 tỷ đồng, tăng 154% so với năm 2022. Doanh nghiệp cảng biển này cũng hoàn thành mục tiêu 65 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra.

QNP vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng sản lượng dự kiến đạt 11,5 triệu tấn, trong đó sản lượng container 180 nghìn Teus. Mục tiêu doanh thu đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2023, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế 2024 lại giảm 19% so với năm trước về còn 115 tỷ đồng.

HĐQT cũng thông qua kế hoạch đầu tư năm 2024 với nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2023 giá trị gần 174 tỷ đồng cũng như các dự án triển khai năm 2024 giá trị 71 tỷ đồng, tổng cộng gần 245 tỷ đồng.

Theo báo cáo Công ty Chứng khoán ACBS, với nhiều quy định mới, các doanh nghiệp cảng biển nhỏ như QNP sẽ được hưởng lợi. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Giao thông vận tải Việt Nam phê duyệt và ký Thông tư 39/2023/TT-BGTVT quy định biểu giá mới về xếp dỡ container tại cảng biển và các dịch vụ khác cho tất cả các cảng biển Việt Nam. Đây được coi là động thái được tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành chờ đợi từ lâu, nhằm tăng giá sàn cho dịch vụ xếp dỡ container lên khoảng 10% đối với cả cảng trung chuyển và cảng nước sâu so với Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 15/02/2024. Đây cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành, đặc biệt là các cảng biển có công suất hoạt động cao và nằm ở những vị trí ít bị cạnh tranh hơn (khu vực cảng nước sâu như Lạch Huyện và Cái Mép).

Tại Thông tư 39 là điều chỉnh tăng khoảng 10% so với mức giá quy định trong Thông tư 54 về mức giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, quá cảnh và trung chuyển tại một số khu vực. Cụ thể, mức giá bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất tại khu vực I có giá từ 36 – 53 USD/20ft và 55 – 81 USD/40ft có hàng; nhóm cảng biển số 5 có giá bốc dỡ container từ 23 – 27 USD/20ft và 34 – 41 USD/40ft.

Riêng hai cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải được áp khung giá riêng. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) lên bãi cảng dành cho container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất là từ 57- 66 USD/20ft có hàng; 85-97 USD/40ft và với container trên 40 feet có giá bốc dỡ từ 94 – 108 USD/container. Đối với tàu container trung chuyển, mức giá bốc dỡ từ 34 – 40 USD/20ft và 51 – 58 USD/40ft có hàng.

ACBS cho rằng, Thông tư mới này sẽ tác động tới từng cảng biển, khu vực khác nhau, mặt bằng chi phí mới sẽ hỗ trợ các cảng tối ưu hóa hơn trong việc khai thác tàu tải trọng lớn. Qua đó, các cảng biển như QNP được kỳ vọng sẽ kích thích gia tăng đầu tư thêm công suất khai thác. Đối với các cụm cảng ở thượng nguồn sông Cấm như: Viconship, Green Port, Chùa Vẽ, Đoạn Xá… vốn có sự cạnh tranh mạnh, phân hóa về nguồn lực và quy mô hoạt động không đồng đều, mức xếp dỡ sàn được nâng lên sẽ phần nào giảm tải áp lực về hạ giá, giúp cải thiện tình hình kinh doanh chung ở khu vực này.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button