Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đặc biệt gỡ “thẻ vàng” IUU
Chỉ còn chưa nửa năm nữa là đến hạn kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT cần đặc biệt quan tâm đến việc gỡ “thẻ vàng IUU”.
Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn thời gian qua; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ánh giá cao những kết quả nổi bật, khá toàn diện của ngành trong thời gian qua, góp phần đưa nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và tâm huyết của Bộ NN&PTNT trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản pháp quy phục vụ sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.
Cụ thể, báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có 6 nhóm kết quả nổi bật.
Thứ nhất, Bộ đã hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển ngành.
Bộ NN&PTNT đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành theo thẩm quyền 345 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Quốc hội ban hành 6 luật, Chính phủ ban hành 70 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 quyết định, Bộ trực tiếp ban hành 255 thông tư.
Bộ cũng đã xây dựng mới, hoàn thiện đồng bộ Chiến lược phát triển ngành, các tiểu ngành, lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ cơ cấu lại ngành; tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ đã tích hợp, đảm bảo vận hành thông suốt 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Thứ ba, chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn được ban hành nhằm phát huy những thành tựu, giải quyết những vấn đề nội tại, và thúc đẩy tư duy mới của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Thứ tư, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các công trình thủy lợi được đầu tư đã tăng dung tích hồ chứa thêm 1,4 tỷ m3; diện tích tưới trực tiếp tăng thêm 133,5 nghìn ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho trên 1,1 triệu ha.
Thứ năm, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường hội nhập quốc tế; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng mạnh, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy nông nghiệp phát triển; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư, trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển thị trường.
Thứ sáu, chủ động, nhanh nhạy trong thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thư, thực hiện Chính phủ điện tử. Những năm qua, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, xanh, sạch, thông minh.
>>>Năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ “khởi sắc”
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, trong đó điển hình là vẫn còn thiếu nhiều yếu tố cần thiết của một nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao.
Đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Thị trường xuất khẩu khó khăn do nhiều nước có thế mạnh nông nghiệp quay lại đầu tư lớn cho nông nghiệp, bảo hộ sản xuất. Trong khi đó, các nước nhập khẩu tăng cường hàng rào kỹ thuật, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch.
Một số cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoặc thiếu nguồn lực để thực hiện…
Đồng tình với 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT đưa ra với ngành trong năm 2023, Phó Thủ tướng bày tỏ sự đồng thuận và nhấn mạnh cần sắp xếp các nhiệm vụ này theo thứ tự ưu tiên, không thể dàn trải.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần đặc biệt quan tâm đến việc gỡ “thẻ vàng IUU”. Theo Phó Thủ tướng, chỉ còn nửa năm nữa là đến hạn kiểm tra và đây là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thể hiện cho những người có trách nhiệm thấy rằng chúng ta đã có những nỗ lực rất tích cực và bước đầu đã có được những thành quả đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý Bộ NN&PTNT mở rộng các cơ sở chiếu xạ cho hoa quả, thực phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu ra khu vực miền Bắc để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận đều nằm ở phía Nam gây gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản miền Bắc như vải, nhãn… Hiện nay, có một trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ KH-CN ở Hà Nội, có đầy đủ nhân lực, máy móc theo tiêu chuẩn của Mỹ nhưng lại gặp vấn đề về giá do nhu cầu chiếu xạ ở miền Bắc không nhiều, không liên tục nên giá cao hơn ở phía Nam.
“Chúng ta cần phối hợp với Bộ KH-CN để bước đầu có cơ chế nào đó để hỗ trợ trung tâm có thể hoạt động được với mức giá phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Sau đó khi hoạt động hiệu quả rồi thì có thể giảm dần hỗ trợ”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý.