Phiên giao dịch kỷ lục của cổ phiếu STB
Cổ phiếu STB khớp lệnh kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 2/4/2024 với tổng giá trị lên đến 3.165 tỷ đồng.
Đây là phiên giao dịch có khối lượng lượng khớp lệnh lớn nhất trong lịch sử niêm yết.Cổ phiếu STB chịu áp lực bán rất mạnh ngay từ đầu phiên và có thời điểm mất 5,7% thị giá trước khi cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thu hẹp mức giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 2/4, STB giảm 3,82% xuống mức 30.200 đồng/cp.
Điều đặc biệt, giao dịch trên STB còn đặc biệt sôi động với khối lượng khớp lệnh hơn 105 triệu đơn vị, tương đương 5,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Đây là mức thanh khoản cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu STB; Với giá trị giao dịch tương ứng lên đến 3.165 tỷ đồng, lớn nhất sàn chứng khoán phiên 2/4.
Việc khớp lệnh kỷ lục đưa STB lọt vào danh sách các cổ phiếu từng giao dịch trên 100 triệu đơn vị/phiên. Giữa thời điểm giao dịch sôi động, khối ngoại đã xả hàng mạnh tay trên cổ phiếu STB khi bán ròng 9,4 triệu đơn vị. Giá trị bán ròng cổ phiếu STB tương ứng 283 tỷ đồng, lớn nhất sàn trong phiên.
Cổ phiếu STB hiện đang nằm trong danh mục của nhiều quỹ ngoại quy mô lớn trên thị trường như Dragon Capital, Pyn Elite Fund, Fubon ETF… Trong đó, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý còn là cổ đông lớn nắm giữ 6% vốn tại Sacombank. Với Pyn Elite Fund, cổ phiếu STB hiện đang là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục với tỷ trọng 13,6%.
Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của STB đi ngang, trong khi tổng chi phí tăng 18% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12,7%. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm gần 59% chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của STB vẫn tăng hơn 51% đạt 9.595 tỷ đồng cả năm 2023, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của STB đạt gần 674.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 10,1%, lên hơn 482.700 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 12,3%, ở mức hơn 510.700 tỷ đồng. Số dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 ở mức 10.984 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 2,28%.
Nhận định về cổ phiếu STB, theo Công ty Chứng khoán KBSV Việt Nam, điểm tích cực đến từ nợ nhóm 2 của STB đạt 0,73%, nằm trong nhóm những ngân hàng có nợ nhóm 2 thấp nhất, qua đó giảm áp lực trích lập trong thời gian tới. STB thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 1.168 tỷ đồng và ước tính hoàn nhập khoảng 624 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC. Trong kì, STB thực hiện tất toán 4.145 tỷ đồng trái phiếu VAMC bằng nguồn thực thu từ khách hàng.
Hiện tại, với số dư nợ trái phiếu VAMC còn lại chưa trích lập là 1.830 tỷ đồng, KBSV kì vọng STB sẽ trích lập toàn bộ khoản nợ này. Theo quan điểm của KBSV, nợ xấu của STB sẽ duy trì trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, cơ cấu cho vay tương đối an toàn với tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức 10%/tổng dư nợ, trong đó cho vay dự án chỉ khoảng 1%/ tổng dư nợ là cơ sở để STB có thể kiểm soát tốt chất lượng tài sản trong năm 2024. Trong năm 2024, ngân hàng sẽ tiếp tục đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và sẽ không chú trọng cho vay bất động sản.
Kết hợp 2 phương pháp định giá là P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu STB. Phương pháp định giá P/B STB nâng mức P/B dự phóng 2024, kì vọng ngân hàng hoàn tất đề án tái cơ cấu cũng như các dấu hiệu về việc kiểm soát tốt chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, KBSV kết hợp sử dụng thêm phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư để phản ánh rủi ro hệ thống và kỳ vọng dài hạn. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỉ lệ 50-50, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu STB.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn