Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày 6/12, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự Diễn đàn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các cơ quan Trung ương; các Ban, bộ, ngành; các địa phương; các đơn vị chức năng; các học viện, nhà trường; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Với hơn 40 tham luận đến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, học giả, báo chí – truyền thông về lĩnh vực năng lượng, thị trường năng lượng cạnh tranh, Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và cộng đồng về phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới.
Đồng thời, Diễn đàn cũng nhằm tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị; và Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Diễn đàn không chỉ nhằm đánh giá kết quả gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn nhằm thúc đẩy nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội về sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng kinh tế – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.
Diễn đàn cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban của Đảng cùng thảo luận, trao đổi, đề xuất, đóng góp các kiến nghị, giải pháp và định hướng tới các cơ quan hữu quan nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhận định, trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn.
Đặc biệt, thị trường năng lượng cạnh tranh còn thiếu sự liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư còn chậm, nhiều nhà đầu tư e ngại về tính ổn định, khung pháp lý, môi trường kinh doanh năng lượng cạnh tranh.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm kiến nghị Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải điện, và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mấu chốt của cạnh tranh là giá (cách định giá) tác động đến cung – cầu, do đó, cần một cách tiếp cận mới, theo hướng tư duy thị trường, hiện đại hoá, tầm nhìn năng lượng cạnh tranh, hydrogen, cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Theo đó, điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả phía cung lẫn cầu trên căn bản giá cả, thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hoá điện/giá điện; giá điện theo thị trường, công bằng xã hội tách bạch vai trò của nhà nước và thị trường, trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho EVN, cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) đặc biệt chủ động kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường.
TGA