Phát triển nông nghiệp tuần hoàn từ cây đậu tương vụ Đông tại Đồng bằng Sông Hồng

Ngày 6/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức hội thảo “Phát triển cây đậu tương vụ Đông theo chuỗi giá trị sản phẩm” với mục tiêu xây dựng vùng trồng đậu tương vụ đông tại Đồng bằng sông Hồng qua đó góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao thu nhập người nông dân.

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho biết, trước đây, diện tích trồng đậu tương toàn quốc đạt 205.000 ha, nhưng giai đoạn 2017-2021 đã giảm mạnh xuống còn 36,8 ngàn ha. Diện tích gieo trồng bị giảm sút trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu đến từ hiệu quả kinh tế thấp.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn từ cây đậu tương vụ Đông tại Đồng bằng Sông Hồng
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam

Giá đậu tương sản xuất trong nước đang bị cạnh tranh ráo riết bởi đậu tương nhập khẩu (do đậu tương sản xuất trong nước có giá bán cao 25.000 – 28.000đ/kg, tương đương 0,84 – 1,2 USD/kg), trong khi giá đậu tương nhập khẩu vào Việt Nam chỉ khoảng 0,60 – 0,70USD/kg, tương đương 13.000 – 15.000đ/kg, đây là giá rất cạnh tranh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, đã nhập khẩu đậu tương hạt để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm trung gian khác.

Diện tích canh tác phân tán, manh mún nên khó ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Hệ thống cung ứng giống cây chưa được rộng khắp do các công ty giống không quan tâm nhiều đến kinh doanh và phân phối vì việc sản xuất, chế biến và đặc biệt là bảo quản giống cây rất khó khăn (do hạt có chứa hàm lượng dầu cao nên rất dễ mất sức nảy mầm) từ đó mang lại rủi ro cao trong kinh doanh.

Trong khi đó, nông dân Đồng bằng Sông Hồng, nhìn chung có thu nhập tương đối thấp, nếu chỉ trồng lúa đơn thuần. Đất trồng các cây hòa thảo như lúa, ngô, một số cây hoa mầu khác, do sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá mức dẫn tới đất bị thoái hóa nặng. Vì vậy việc trồng luân canh các cây họ đậu như lạc, đậu xanh và đậu tương sẽ góp phần cải tạo và phục hồi đất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng.

GS. Trần Đình Long đánh giá tiềm năng diện tích trồng đậu tương vụ Đông tại Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng lên tới hàng trăm ngàn ha trên đất hai vụ lúa xuân và lúa mùa. Vì vậy để phát huy tiềm năng này cần thực hiện các giải pháp để phát triển cây đậu tương vụ Đông theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Về giống cây, cần tăng cường nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống đậu tương năng suất cao, thích nghi với biến đổi khí hậu (chịu hạn, chịu mặn, chịu úng…) giống và kỹ thuật phù hợp với áp dụng cơ giới hóa. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để có nghiên cứu mới về cây đậu tương giúp đi tắt đón đầu những thành tựu của thế giới như Trung tâm công nghệ cây trồng tại Úc, Ngân hàng gen đậu tương tại Hoa kỳ, Trung tâm rau mầu châu Á –AVRDC, Đài Loan.

Cùng với đó là, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất thiết phải chế biến sâu: Sữa đậu nành, Bột dinh dưỡng, chế phẩm Isoflavone… Sử dụng các phụ phẩm: Bã đậu phụ làm thức ăn chăn nuôi, thân lá đậu tương dùng làm giá thể nuôi nấm. Trồng đậu tương nhằm cải tạo đất. Mỗi ha trồng đậu tương để lại cho đất mỗi vụ ít nhất 20 kg N nguyên chất, làm cho đất tới xốp, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nông nghiệp tuần hoàn.

GS. Trần Đình Long cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho xây dựng Đề án phát triển sản xuất đậu tương vụ Đông và chế biến sữa đậu nành tại Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 300 ngàn ha, sản lượng ước tính 600 ngàn tấn/năm hạt đậu tương để làm sữa đậu nành và dược phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button