Phát triển bền vững ngành hồ tiêu
So với năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu năm 2024 giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung hứa hẹn một sự quay lại ngành hàng tỷ đô bền vững hơn của hồ tiêu Việ Nam.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.500ha hồ tiêu với năng suất bình quân khoảng 3,5 tấn/ha. Những năm qua, để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như phát triển bền vững ngành hồ tiêu, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã chủ động hướng dẫn các địa phương tập trung vào vùng trồng có lợi thế cho cây hồ tiêu phát triển như huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Đăk Đoa, Mang Yang, Đức Cơ và TP Pleiku. Đồng thời, giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi không phù hợp, bảo đảm nền tảng vững chắc cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Ông Hoàng Thi Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, giá hồ tiêu tăng cao đã giúp người dân có thêm lợi nhuận và lấy lại niềm tin đối với loại nông sản từng được ví như “vàng đen” của Tây Nguyên.
Để phát triển ổn định cây hồ tiêu trong thời gian tới, Gia Lai sẽ duy trì ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 8,5 – 10 ngàn ha. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu tập trung, an toàn và chất lượng gắn với các cơ sở chế biến.
Mặt khác, Gia Lai sẽ tăng diện tích hồ tiêu trồng xen để giảm áp lực sinh vật gây hại cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đạt trên 60%.
“Để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu, Gia Lai sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất. Đồng thời áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về thiết kế vườn trồng, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sinh vật gây hại, phát triển diện tích hồ tiêu hữu cơ, có chứng nhận gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng”, ông Hoàng Thi Thơ nói và cho biết, phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai có trên 70% diện tích hồ tiêu được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện nay giá hồ tiêu đã tăng lên hơn 160 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho người trồng hồ tiêu.
Xuất khẩu tiêu của Việt Nam năm 2024 đã thiết lập mốc kỷ lục mới, với 1,32 tỷ USD. Trong tháng đầu năm 2025, giá tiêu xuất khẩu vẫn đứng ở mức cao, tăng hơn 30% so với giữa năm 2024. Đặc biệt giá tiêu trắng xuất khẩu hiện tăng 16% so với cuối tháng 12/2924 và tăng 38% so với giữa năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu tiêu trong năm 2025…
So với năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu năm 2024 giảm 5,1%; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Về chủng loại tiêu xuất khẩu trong năm 2024, tiêu đen đạt 220.269 tấn và 1,18 tỷ USD; tiêu trắng đạt 30.331 tấn và 200,6 triệu USD.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023. Đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21,0% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn. Tiếp theo là các thị trường: UAE 16.391 tấn, tăng 35,1% chiếm 6,5%; Đức 14.580 tấn, tăng 58,2% chiếm 5,8%, Hà Lan 10.745 tấn, tăng 35,2% chiếm 4,3%; Ấn Độ 10.617 tấn, giảm 17,1%, chiếm 4,2%. Nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 6 đạt 10.549 tấn, giảm 82,4% và chiếm 4,2% thị phần.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng với thị trường hồ tiêu
Mới đây, Bản đồ số hồ tiêu và gia vị Việt Nam đã được Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) giới thiệu tại Hội nghị thường niên năm 2024.
Bản đồ số hồ tiêu và gia vị Việt Nam sẽ cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng và vùng trồng hồ tiêu và gia vị tại Việt Nam; hỗ trợ kết nối giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Tính năng chính của Bản đồ số gồm: Hiển thị thông tin theo loại cây trồng và năm; cung cấp dữ liệu về thời tiết, thổ nhưỡng và thời gian thu hoạch; liệt kê các doanh nghiệp theo loại hình và chứng nhận. Với những tính năng đó, Bản đồ số sẽ nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý trong ngành gia vị, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
VPSA kỳ vọng Bản đồ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế; xây dựng bản đồ thảm thực vật, bản đồ đất, bản đồ nước, bản đồ thuốc BVTV…
Theo thống kê của VPSA, cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPSA đánh giá, với giá hồ tiêu cao hiện nay, sẽ sẽ khuyến khích nông dân tăng cường nỗ lực canh tác, giúp nâng cao năng suất trên mỗi ha trong những năm tới. Tuy nhiên, các khu vực trồng mới sẽ cần thời gian để cho ra sản phẩm, do đó các quốc gia sản xuất như Việt Nam khó có thể phục hồi đáng kể trong thời gian ngắn. Dù vậy, những tín hiệu ban đầu cho vụ mùa năm 2025 tại Việt Nam khá tích cực, với tiềm năng đạt năng suất cao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Qua đó, kỳ vọng vừa được mùa, vừa được giá.
Hướng tới năm 2025, VPSA cho hay ngành hạt tiêu và gia vị sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
VPSA khuyến khích nông dân và doanh nghiệp ngành hàng tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.
Theo Báo Điện tử Chính phủ