“Phát lộ” hệ lụy từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Nhiều hệ lụy lần lượt xuất hiện sau khi bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng.

Khi những công ty bất động sản khổng lồ Evergrande, Country Garden đổ sụp, người ta tưởng rằng nếu giải quyết được mối nợ 500 tỷ USD thì mọi chuyện sẽ chấm dứt. Với năng lực kinh tế Trung Quốc, số tiền này không phải chuyện lớn.

Về mặt chính sách tài vĩ mô, các quan chức nước này tự tin rằng “3 lằn ranh đỏ” có thể đo đếm tình hình, phân loại doanh nghiệp nào nên được tồn tại; một danh sách 50 doanh nghiệp hàng đầu được chọn ra cho vay vốn.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy, bất động sản không chỉ chiếm gần 1/3 nền kinh tế Trung Quốc; không đơn thuần là phép trung bình cộng mang tính so sánh tương quan giữa ngành này với ngành kia.

Sâu xa hơn, sự phát triển của bất động sản luôn luôn là động lực kéo theo toàn bộ hệ thống kinh tế – tài chính. Tiền chảy vào đất đai, nhà cửa, cao ốc văn phòng; dựng lên những đô thị hiện đại giúp sản sinh ra việc làm, nhu cầu tiêu dùng, tạo xung lực để mở rộng sản xuất kinh doanh, vận hành dòng tiền khổng lồ mà ai ai cũng rất dễ tìm thấy cơ hội trong đó.

Cho dù một dòng tiền khác được bơm vào, nhưng khả năng thanh khoản gần như bằng không vì động lực sở hữu bất động sản tiêu tan, doanh nghiệp không thể “ra hàng”. Từ đó sinh ra nỗi sợ hãi thôi thúc người dân thắt chặt hầu bao.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tăng cao (Ảnh: CNN)

Sau 3 năm, “vết thương” kinh tế bắt đầu lộ rõ thêm tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Một loạt thành phố bị rớt hạng về chỉ số “sôi động kinh tế và triển vọng tăng trưởng”. Chẳng hạn như thành phố Chu Hải (Quảng Đông), từng là “ngôi sao đang lên” cuả Trung Quốc, nạy tụt 82 bậc; Đông Quan – một thành phố được xây mới hoàn toàn theo phong cách châu Âu đã rớt 15 bậc.

Đại đô thị Thâm Quyến và Bắc Kinh lần lượt ở vị trí thứ 8 và 9 trong số 217 thành phố được Viện Miken đánh giá xếp hạng. Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam và là nơi đặt nhà sản xuất iPhone Foxconn, cũng tụt xuống vị trí thứ 22, từ vị trí thứ 3.

Về mặt nhân khẩu học, ngày càng nhiều người trẻ ở đất nước này chọn lối sống “4 không”: không yêu đương, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con – họ có chung một áp lực là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở nhiều mặt.

Trong tháng 7/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng lên 17,1%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2023. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao đối với những người trong độ tuổi từ 16 đến 24.

Trong quý II năm 2024, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc chỉ đạt mức 3,1%, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của chính phủ là 5%. Chỉ số niềm tin kinh doanh của Trung Quốc trong năm 2024 giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Trong thời kỳ thịnh vượng hiếm thấy khi nào có tình trạng nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đóng cửa, sa thải lao động hay doanh nghiệp rời đi. Nhưng điều này dần trở thành bình thường. Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia không còn coi thị trường này là nơi có thể gửi gắm tương lai dài hạn.

Trung Quốc đang nỗ lực cho cuộc cách mạng kinh tế có tính sống còn, họ đã thu hái nhiều thành quả vượt bậc về công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, nền kinh tế này khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng trên 8% như trong quá khứ trong một vài năm tới.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button