Phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

Hơn 12 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong hội thảo nhằm đóng góp ý kiến, phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam nhận định: Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ tri thức là nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc.
Phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chiều 23/3, nhằm hướng tới hoạt động kỉ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (1983- 2023). Đây cũng là dịp để đánh giá công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia.

Thông qua hội thảo, Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 lượt người/năm (chưa bao gồm số vào Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn).

Trí thức kiều bào ngày càng tham gia một cách trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi vào những vấn đề “nóng”, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0….

Phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Về việc phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH&CN, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: “Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), lực lượng trí thức NVNONN tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học, công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức. Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, trí thức NVNONN đã và đang liên kết, tập hợp dưới hình thức các tổ chức hội, đoàn để phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng”.

“Sự kết nối giữa người Việt trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, đây là bước tiến quan trọng trong công tác thu hút nguồn lực trí tuệ của NVNONN, mở ra một hướng đi mới, không chỉ kết nối các chuyên gia, trí thức ở các nước lại với nhau để giao lưu, đóng góp về khoa học, học thuật mà còn kết nối mạng lưới trí thức kiều bào với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu trong nước” – ông Phạm Việt Hùng nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, PGĐ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, góp ý kiến tham luận về việc kết nối trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước dựa trên đổi mới sáng tạo và thành tựu Cuộc CMCN 4.0.

 “Trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuyên gia là NVNONN hướng về quê hương, đã chuyển về sinh sống và làm việc lâu dài trong nước, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, sẵn lòng cống hiến tâm – tài cùng khát khao góp thêm cơ hội tiếp cận tri thức thế giới, truyền cảm hứng, dẫn dắt giới trẻ trong nước hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam thịnh vượng, có vị thế cao, xứng tầm sánh vai với các cường quốc năm châu” – theo ông Võ Xuân Hoài.

Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH&CN (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho rằng, bên cạnh việc trở về nước trực tiếp tham gia vào các dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học, tham mưu chính sách cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ và đóng góp trí tuệ “từ xa” đã trở thành một xu hướng chung được đông đảo chuyên gia, trí thức kiều bào lựa chọn, vừa bảo đảm duy trì ổn định cuộc sống của kiều bào ở sở tại vừa có thể tạo ra những giá trị tích cực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Do đó, đề xuất tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp, như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn.

GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng: “Không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi trí thức là người Việt Nam mà phải hết sức chú ý tới việc thu hút trí thức là người nước ngoài, tính tới việc sử dụng tại chỗ, tại quốc gia mà họ đang làm việc hoặc mời họ tham gia các dự án của đất nước ta”.

Theo ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.

Minh Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button