Ổn định thị trường vàng: Cần quan tâm giải pháp dài hạn
Câu chuyện về quản lý thị trường vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nên quản lý vàng theo cách nào? Có nên mở lại kênh nhập khẩu vàng? Có nên bỏ độc quyền SJC?…
Theo đó, thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp để kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Hiện tại giá vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, chỉ còn cao hơn khoảng 4 – 5 triệu đồng/lượng.Đáng chú ý, hiện nay 5 đơn vị bán vàng bình ổn thị trường đã cùng chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng bắt xuất hiện. Đó là, lượng người mua quá đông hoặc không thể mua; thậm chí có hiện tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Nhiều người không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường.
Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường qua 4 ngân hàng quốc doanh và công ty SJC, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định có đủ nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp để thị trường vàng phát triển ổn định.
Dù vậy, theo PGS.TS Ngô Trí Long, biện pháp tăng cung này nếu kéo dài mãi sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân. Tình trạng người dân đội mưa, nắng tập trung đầu tư vào vàng, vàng vật chất lớn, không đầu tư vào sản xuất, không chuyển vàng thành tiền sẽ gây lãng phí rất lớn.
“Trong khi đó, nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu ngoại tệ để nhập nguyên liệu đầu vào rất cao, mà vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Nếu đáp ứng một cách vô hạn nhu cầu, thị hiếu, phong trào mua vàng theo đám đông sẽ gây hệ luỵ như vậy”, PGS.TS Ngô Trí Long nói việc bán vàng theo giá niêm yết của Nhà nước chỉ là biện pháp ngắn hạn để kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong thời gian tới và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá vàng thế giới. Nếu tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tăng vẫn lớn thì nhu cầu mua vào của người dân vẫn sẽ ở mức cao, đặc biệt khi mức chênh lệch đã thu hẹp. “Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho khả năng cung ứng vàng của NHNN trong giai đoạn tới”- ông Hiếu nói và cho rằng, mọi biện pháp của NHNN chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài phải sửa hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24).
Ở một góc nhìn khác, chia sẻ trên Tạp chí Nhà đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bản thân thị trường vàng rất đặc thù, không nên quy nó là hàng hoá hay tiền tệ. Vàng là vàng.
Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, thứ nhất, theo Luật Giá, vàng không nằm trong 9 mặt hàng phải bình ổn giá theo quy định. Thứ hai, vàng là lĩnh vực đặc thù, vừa được coi như một công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa liên quan tới nhu cầu của thị trường, mà cụ thể là thị trường vàng trang sức, chứ không phải thị trường vàng miếng như câu chuyện đang nóng lên trong thời gian qua.
Trước hết, nhìn từ góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, quan điểm của các cơ quan điều hành kinh tế là không khuyến khích người dân mua vàng để tích trữ. Vì vậy thời gian qua chúng ta làm mọi biện pháp nhằm cải cách thể chế, thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực nhàn rỗi vào đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Những biện pháp đó đều xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, biện pháp cụ thể nhất là chúng ta đặt ra điều kiện kinh doanh để không khuyến khích người dân giữ vàng miếng, nhưng người có nhu cầu vàng trang sức thì chúng ta tạo mọi điều kiện. Nếu đối chiếu lại chủ trương đó với tình trạng “sốt vàng” trong thời gian qua, thì chúng ta thấy “cơn sốt” này chỉ cục bộ ở một bộ phận người có nhu cầu mua vàng miếng, còn vàng trang sức thì không hề sốt. Câu hỏi đặt ra là khi có “cơn sốt” gây hiện tượng tăng cung ở một mặt hàng không chỉ không thuộc nhóm phải bình ổn giá, mà còn không khuyến khích người dân nắm giữ, thì chính sách cần ứng xử như thế nào cho phù hợp.
“Đáng tiếc là trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý không có số liệu thống kê cụ thể những người xếp hàng mua vàng miếng SJC thuộc thành phần, độ tuổi nào? Đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để thiết kế chính sách cho phù hợp”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Nêu quan điểm về đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC khi sửa Nghị định 24, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng đặt ra ra câu hỏi, “Tại sao phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC? Giữ độc quyền vàng miếng SJC có hệ luỵ gì không?”
Một số ý kiến cho rằng, vì độc quyền vàng miếng SJC nên giá vàng miếng SJC chênh lệch với giá vàng nhẫn và vàng thế giới. Lý giải vấn đề này, ông Kiên cho rằng, cũng giống như cùng là ô tô, gần như giống nhau về thông số kỹ thuật nhưng xe Trung Quốc giá rẻ hơn nhiều so với xe Đức hay xe Nhật.
“Theo quy định tại Nghị định 24, chúng ta có thể quy đổi từ vàng nhẫn ra vàng miếng SJC. Chỉ cần mang vàng nhẫn đủ tuổi và thuê NHNN gia công là có thể có vàng miếng SJC. Nếu doanh nghiệp có vàng nhẫn, vàng chế tác mà thấy chuyển đổi thành vàng miếng SJC có lợi hơn thì có thể chuyển đổi. Có lẽ chúng ta đã quên Nghị định 24 có gì. Còn giữ lại vàng SJC đơn giản là để quản lý vàng miếng”, vị chuyên gia nói.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp