Nỗi lo thiếu than cho sản xuất điện hiện hữu

Nếu việc cung ứng than cho các nhà máy điện không ổn định như năm ngoái, EVN đánh giá nguy cơ cao sẽ thiếu nhiên liệu để sản xuất điện, điều này dẫn tới lo lắng về việc thiếu điện trong năm 2023.

EVN vừa có báo cáo về tình hình cấp than cho sản xuất nhiệt điện. Theo đó, EVN cho biết, tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch xảy ra đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1.

Nỗi lo thiếu than cho sản xuất điện hiện hữu

EVN cho biết, tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch xảy ra đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1.

Phụ thuộc than nhập khẩu

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 của EVN. Nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu.

Cụ thể, than cấp cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình năm 2022 là than sản xuất trong nước và than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu do 2 đơn vị TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp thông qua hợp đồng mua bán than năm 2022.

Về tổng quan, than cấp cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình năm 2022 không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện trong một số thời điểm, cũng như không đảm bảo được khối lượng than sản xuất trong nước (than cám 5a.1) như đã cam kết trong hợp đồng mua bán than năm 2022.

Trong quý 1, do việc nhập khẩu than gặp khó khăn nên tổng khối lượng than cấp từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc thấp hơn so với nhu cầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Tồn kho than của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình đã xuống rất thấp (khoảng 6.000 tấn tương đương 1 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy). Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 3, TKV đã dừng cấp than sản xuất trong nước, không còn khả năng đáp ứng  theo hợp đồng

Trong quý 2, quý 3, khả năng cấp của TKV đã cải thiện, đáp ứng được nhu  cầu sản xuất điện. Tuy nhiên, Tổng công ty Đông Bắc không cấp than ổn định và dừng cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình trong các tháng 7, 10, 11 và không đáp ứng được hơp đồng đã ký.

Trong quý 4, khả năng cấp của TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã bị giảm và các đơn vị thông báo chỉ cấp được hoàn toàn than pha trộn nhập khẩu.

Tồn kho than của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình thường xuyên duy trì ở mức 10.000 tấn (chỉ đạt khoảng 02 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy) trong một số ngày cuối tháng 11 và toàn bộ tháng 12, do đó nhà máy đã phải dừng 1 tổ máy để dự phòng.

Tập đoàn này đánh giá, tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch cũng xảy ra tương tự đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 của EVN.

“Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu”, văn bảo của EVN cảnh báo.

Trong khi đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sử dụng than Bitum/Sub-bitum nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Quốc tế. Kế hoạch nhập khẩu than được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận hành thực tế của nhà máy. Trong cả năm 2022, do ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine nên giá than nhập khẩu tăng rất cao (chỉ số giá than Newc thường xuyên duy trì ở mức xấp xỉ 400 USD/tấn) dẫn đến nhà máy Vĩnh Tân 4 được huy động rất thấp, tương ứng với khối lượng than nhập khẩu thấp hơn so với kế hoạch.

EVN cho biết thêm, hiện nay, giá than nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các biến động của thị trường than quốc tế và công tác dự báo gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy sử dụng than nhập khẩu biến động rất lớn.

EVN dự kiến thời gian tới, giá than nhập khẩu tiếp tục giữ ở mức cao, ảnh hưởng nhiều tới khả năng huy động nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng như các nhà máy sử dụng than nhập khẩu nói chung trên thị trường điện.

Cần giải pháp bền vững

Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2023 cũng như các tháng mùa khô sắp tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp than cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Bộ về trách nhiệm đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than. Năm nay, tổng khối lượng than cấp cho điện của TKV và Tổng công ty Đông Bắc gần 46 triệu tấn, riêng các nhà máy nhiệt điện của EVN xấp xỉ 18 triệu tấn.

Nỗi lo thiếu than cho sản xuất điện hiện hữu

Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp than tuân thủ đúng các điều khoản tại các hợp đồng than các bên đã ký kết. Việc cấp than cũng cần đảm bảo đúng chủng loại kỹ thuật của từng nhà máy, bởi theo dự kiến, than TKV cấp cho các nhà máy của EVN năm nay hoàn toàn là than pha trộn. Thực tế, than pha trộn sử dụng trong các nhà máy được thiết kế dùng than nhập khẩu làm ảnh hưởng tới khả năng vận hành ổn định, nhất là trong thời điểm cần huy động cao mùa khô.

Thực ra nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện không phải mới xảy ra, nhiều lần Bộ Công Thương, Chính phủ phải đứng ra giải quyết, họp bàn giữa các chủ thể tham gia mối quan hệ này, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đã nhiều lần phải có lý giải về nguyên do khiến nguồn than khan hiếm . Cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại khiến mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” nay thêm căng thẳng.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, sở dĩ than cho sản xuất điện khó là do nguồn than này chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, trong nước việc khai thác ngày càng khó khăn, chi phí hầm lò lớn. “Nhiều khi tôi còn lo lắng nếu không có sự đầu tư, đổi mới công nghệ bài bản thì ngành than khó có thể tồn tại trong tương lai”, ông Thịnh chia sẻ, bởi theo ông nếu không khai thác được trong nước, hoặc khai thác mà đắt hơn nhập khẩu thì rõ ràng là không thể cạnh tranh nổi. Đây là vấn đề mà ngành than cần phải tính tới nếu muốn phát triển bền vững.

Trong khi đó với ngành điện, ông Thịnh cho rằng việc chúng ta luôn đối mặt với nỗi sợ thiếu điện do thiếu than một lần nữa đặt ra vấn đề cần phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho điện than. Trong Quy hoạch điện 8 đang được xây dựng việc tính tới cắt giảm mạnh công suất điện than để phát triển năng lượng tái tạo cần phải làm.

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine khiến nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức, song cũng không ít cơ hội mà chúng ta cần phải nhìn ra.

Trong đó, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để có bước tiến nhảy vọt trong việc giảm phát thải carbon về 0, chuyển dịch mạnh sang phát triển năng lượng tái tạo như mặt trời, gió… “Một khi làm được điều này chúng ta không còn phải lo phụ thuộc quá nhiều vào giá năng lượng thế giới”, ông Khương nêu quan điểm.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button