Nợ và thu của Vingroup: Có kỳ vọng đột biến nửa cuối 2022?
Sau Vietcombank, Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) đang nắm giữ vị trí thứ 2&3 về top vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Với vị thế này và đặc thù kinh doanh cốt lõi gắn với một trong những ngành chính là bất động sản – luôn được cho là sử dụng đòn bẩy tài chính cao – con số tổng nợ phải trả lên tới gần 400 nghìn tỷ đồng của Vingroup tại cuối quý II/2022 đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Hệ số nợ vay thấp hơn trung bình ngành
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2022, soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 31.600 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của Vingroup giảm mạnh được giải thích chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao trong nửa sau của năm nay.
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của Vingroup tại cuối quý II/2022 lên tới gần 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản tiền khách hàng, đối tác trả trước và các khoản phải trả khác chưa đến hạn thanh toán, thuộc về doanh thu trong tương lai, ghi nhận tới 134.106 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng nợ phải trả.
Các khoản vay ngắn và dài hạn thực sự của Vingroup chiếm 42% tổng nợ phải trợ gồm vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và trái phiếu tương đương 166,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn là 45,9 nghìn tỷ đồng, vay và nợ dài hạn là 110,9 nghìn tỷ đồng, nợ trái phiếu hoán đổi là 9,7 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các khoản này đều là vay có đảm bảo bằng tài sản bao gồm hàng tồn kho, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tài sản cố định hữu hình, bất động sản đầu tư, cổ phiếu một số công ty mà Vingroup nắm giữ.
Các ngân hàng chủ nợ ngắn hạn của Vingroup gồm có Vietcombank, BIDV, Bank of China CN HCM, VPBank, MB, Techcombank và SCB. Các ngân hàng Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB cũng là các bên cho vay/ thu xếp tín dụng dài hạn của Vingroup.
Số nợ còn lại của Vingroup, tương đương 96 nghìn tỷ đồng, là các khoản phải trả ngắn hạn khác nhưng chưa đến hạn thanh toán. Đây là các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thường xuyên. Đối ứng trong thuyết minh, Vingroup có các khoản phải thu gồm 104 nghìn tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 7,4 nghìn tỷ đồng phải thu dài hạn. Nếu các khoản phải thu không phát sinh vấn đề trở thành khoản phải thu khó đòi thì phần này được xem như bảo đảm thanh toán cho phải trả ngắn hạn.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup, có thể tính toán hệ số nợ của Vingroup ở mức thấp hơn nhiều so với hệ số trung bình của nhóm bất động sản cùng ngành (theo tính toán của Fiin Group là 0,47 cho ngành tại cuối quý I/2022) hoặc của nhóm công nghiệp nặng trên sàn. Nguyên do là ngoài nợ vay thực sự giảm hơn nhiều so với tổng nợ, Vingroup duy trì tổng quy mô tiền mặt và tương đương tiền đạt hơn 42,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng nợ vay thuần – tính theo quy mô nợ vay sau khi trừ đi các khoản tiền và tương đương tiền – trên tổng nguồn vốn vì vậy chỉ ở mức 0,24 lần. Quy mô nợ vay thuần trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1 lần.
Ngoài lĩnh vực bất động sản suy giảm, báo cáo tài chính của Vingroup cũng ghi nhận trong 6 tháng đầu 2022. các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%; y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14%. Kết quả này theo Vingroup chủ yếu do các cơ sở đã hoạt động bình thường và khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021, và cũng tương đồng với các lĩnh vực phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế.
Nhờ đó, tổng lợi nhuận trước thuế trong sáu tháng đầu năm của Vingroup đạt gần 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn còn một quãng dài để đến mục tiêu kế hoạch của 2022.
6 tháng cuối năm, doanh thu bất động sản của Vingroup có gì?
Tại 30/6/2022, tổng tài sản Vingroup đạt gần 530.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm trước. Trong đó, hàng tồn kho tăng 61% lên gần 81.000 tỷ do có nhiều bất động sản để bán đang xây dựng và dự án mới mở bán. Đây chính là phần sẽ mang lại nguồn thu cho Vingroup trong nửa cuối năm khi nhiều sản phẩm ở các phân khúc đang tăng tỷ lệ hấp thụ.
Thống kê của CTCK VNDirect cho thấy, Vingroup sẽ có nhiều dự án mở bán 2022 ở nhiều phân khúc.
Cụ thể, đặt kỳ vọng cao mang về doanh thu cho VHM, công ty chuyên bất động sản của Vingroup, VNDirect cho biết: Với dự án Vinhomes Ocean Park 2 vào tháng 6/2022, VHM đã ra mắt thành công hơn 10.000 sản phẩm thấp tầng và đạt tỷ lệ hấp thụ cao. Dự án này được kỳ vọng sẽ được bàn giao vào nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh công ty đang tích cực thực hiện các hoạt động xây dựng.
Theo tính toán của chính Vingroup, Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire với các sản phẩm dự kiến được giao từ quý III năm nay, sẽ giúp tập đoàn hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng bất động sản.
Ngoài ra, Vingroup còn những nguồn thu từ các dự án tiềm năng có thể sẽ sớm được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Ví dụ 2 dự án Vinhomes Cổ Loa (thấp tầng) với diện tích 385ha tại Đông Anh (Hà Nội) và Vinhome Wonder Park (thấp lẫn cao tầng với diện tích 133ha tại Đan Phượng (Hà Nội), là 2 dự án đình đám của miền Bắc có tên trong danh mục kỳ vọng mở bán ở năm nay.
Bên cạnh đó, sự phục hồi ngoạn mục của du lịch Việt Nam những tháng đầu năm đang kéo theo sự phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là các dự án bất động sản ven biển. Đây là phân khúc mà Vingroup là nhà tiên phong phát triển và cũng đang là chủ đầu tư với những giỏ hàng có lực hút lớn. Shophouse VinWonders Phú Quốc theo từng phân khu mở bán thực tế vẫn đang được nhà đầu tư chờ đón.
“Chúng tôi kỳ vọng doanh thu nửa cuối 2022 của VHM sẽ tăng trở lại +75% so với cùng kỳ lên 76.839 tỷ đồng, nhờ bàn giao bất động sản bán lẻ tại các dự án Ocean Park, Grand Park, Smart City và nhà thấp tầng tại Ocean Park 2. Biên lợi nhuận gộp nửa cuối 2022 sẽ giảm 12,8 điểm % so với cùng kỳ xuống 50,4% do thiếu bàn giao bán buôn. Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng nửa cuối 2022 tăng 30% so với cùng kỳ lên 29.790 tỷ đồng”, VNDirect nhận định về VHM của VIC.
Cũng theo VNDirect, riêng ở mảng bất động sản, Vingroup (qua VHM) có tổng quỹ đất mua lại là 16.800ha (tính đến tháng 9/2021), tương ứng với 16.400ha tổng diện tích sàn nhà ở. Điều này nhấn mạnh khả năng tích lũy quỹ đất và quy hoạch tổng thể ấn tượng của doanh nghiệp. 90% tổng quỹ đất của công ty vẫn chưa được triển khai, cho thấy tiềm năng rất lớn ở tương lai. Vì vậy, giai đoạn 2023-24, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn sẽ trở lại mạnh mẽ khi ba đại dự án mới được bàn giao.
Tại ngày 30/6/2022, Vingroup có 108 công ty con. Với VHM, công ty nắm quyền kiểm soát lợi ích 69,34%.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp