NIM giảm, 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng dương
Theo công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2023, có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023.
Kết quả điều tra do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện ghi nhận, các TCTD trả lời là tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có sự ”cải thiện” nhưng tốc độ cải thiện có chậm lại so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
NIM giảm, kỳ vọng mức sinh lời 2 chữ số
Tuy nhiên theo kết quả, có 66,7-79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023; 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Theo ước tính của SSI Research, quý I/2023, có 8 ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, Sacombank, Vietcombank, và VIB. Ở chiều ngược lại, 2 ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm là MSB và Techcombank. SSI cũng ước tính lợi nhuận quý I của nhóm Big 4 tiếp tục tăng trưởng, dù có giảm tốc so với năm ngoái. Trong khi đó nhóm tư nhân dự báo có lãi suất đột biến nhất thuộc về Sacombank. Ngân hàng này cũng đã lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tới 50% trong năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng chậm trong Quý I, đặc biệt 2 tháng đầu năm 2022, được cho là một trong những nguyên nhân khiến các nhà băng bị suy giảm lợi nhuận. Ngoài ra, cần lưu ý rằng mặt bằng lãi suất huy động hạ xuống, và mặt bằng lãi suất cho vay tuy chưa hạ tương ứng vẫn đang trong xu hướng tiếp tục hạ, khiến chi phí tín dụng cao lên cũng có thể ảnh hưởng đến biên lãi ròng của các ngân hàng. Chất lượng tài sản của một số ngân hàng, như VPBank hay MSB, đang được dự báo có khả năng suy giảm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích CTCK Maybank Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng sẽ phải cân chi phí vốn, huy động và cho vay ra. Nếu ngân hàng thấy lãi suất giữa huy động và cho vay ra đảm bảo NIM và cầu tín dụng vẫn tốt, họ sẽ giữ duy trì mặt bằng.
Ông Thành cũng cho rằng tất nhiên trong bối cảnh này thì NIM sẽ phải giảm, bởi vì ngân hàng sẽ khó mà cho vay với lãi suất cao vì nhu cầu tín dụng của mức lãi suất này đã bị yếu đi, nên ngân hàng sẽ phải tìm cách điều chỉnh lãi suất cho vay xuống để có người vay, trong khi đó chi phí huy động vẫn đang ở măt chung cao hơn so với mức năm ngoái, dẫn đến giảm NIM. “Nhưng NIM các ngân hàng năm nay giảm đến mức nào, thì tôi cho sẽ không giảm cắm đầu một cách quá mạnh mà chỉ giảm đâu đó từ mức 4,5% trung bình về còn khoảng 4%”, ông Thành nói.
Giám đốc Khối Phân tích của MSVN cũng dự báo nhìn chung, mức sinh lời của ngành ngân hàng năm nay không thể quá tốt như hai năm vừa qua ở 30-35%, nhưng vẫn đảm bảo ở khoảng 13-15%.
Dự báo lãi vay giảm nhẹ 0,08 – 0,1 điểm phần trăm
Trong kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong Quý I/2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với Quý IV/2022. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong Qúy II/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.
Trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong Quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 – 0,1 điểm phần trăm trong Quý II/2023 và giảm nhẹ 0,19 – 0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.
Và trái với dự kiến tăng lãi suất biên trong quý I/2023 của 32,7% TCTD ở cuộc điều tra kỳ trước, kết quả điều tra kỳ này cho thấy, các TCTD đã giữ ổn định lãi suất biên và phí dịch vụ trong quý I/2023.
Đáng chú ý, trong kỳ điều tra trước, các TCTD đã dự báo về, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng tăng nhẹ và thực tế đã tăng nhẹ trong Quý I/2023. Dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023 nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước. Trong đó 36,5% TCTD dự báo MBRR “ổn định”, 21,2% dự báo “giảm” và 42,3% TCTD dự báo mức độ rủi ro chung của các nhóm khách hàng “tăng” trong năm 2023 so với năm 2022. Nhóm công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa là các nhóm cần quan tâm về mức độ rủi ro.
Theo các TCTD tham gia khảo sát, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý II/2023 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Tại cuộc điều tra này, các TCTD nhận định “tăng nhẹ” tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý I/2023 nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong quý II/2023.
Trong quý I/2023, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I/2023 và cả năm 2023.
Theo nhận định của các TCTD, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong Quý I/2023 mặc dù tiếp tục cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Chỉ số cân bằng (CSCB) trong quý I/2023 ở mức 14%, thấp hơn so với CSCB dự kiến (18,8%) và CSCB trong quý IV/2022 (18,5%). Các TCTD kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong Quý II/2023 và cả năm 2023.