Những ý tưởng sáng kiến cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Nhiều công nhân giỏi tại các doanh nghiệp sản xuất đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào các công đoạn sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Trong quá trình làm việc tại dây chuyền, chị Nguyễn Thị Thu Trang – công nhân công ty TNHH điện Stanley Việt Nam nhận thấy có một số công đoạn thực hiện thủ công khiến công nhân vất vả, mất nhiều công sức nhưng hiệu suất công việc không cao. Chẳng hạn như việc bê những thùng nguyên liệu, sản phẩm rất nặng hay đơn giản là việc mở các thùng các tông bằng dao rạch băng dính.

“Các công việc này được cải tiến, thực hiện tự động hóa thay thế cho con người sẽ mang lại năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn”. Từ suy nghĩ này, chị Trang và các đồng nghiệp cùng bộ phận đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra 2 ý tưởng: thử nghiệm đế nâng, đẩy đồ để anh chị em công nhân không phải bê vác các thùng nguyên liệu, sản phẩm và gắn lưỡi dao vào băng chuyền để mở thùng các tông mà không cần dùng đến dao, giảm nguy cơ tai nạn lao động tiềm ẩn.

Những ý tưởng sáng kiến cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Chị Nguyễn Thị Thu Trang – công nhân công ty TNHH điện Stanley Việt Nam

Sáng kiến sáng tạo của chị Trang được công ty TNHH điện Stanley Việt Nam tạo điều kiện trải nghiệm, phát triển và hiện thực hoá. Các chi tiết mới mang hàm lượng công nghệ đã được lắp đặt, giúp cải tiến dây chuyền sản xuất, giảm sức người và làm lợi cho công ty gần 70 triệu đồng. Ngược lại, với sáng kiến ý nghĩa và thiết thực này, chị Trang cũng được doanh nghiệp “thưởng nóng” bằng nhiều ưu đãi như tăng lương, khen thưởng…

Anh Nguyễn Hữu Tự cũng được đánh giá là “cây sáng kiến” của công ty TNHH Toho Việt Nam. Là công nhân sản xuất trực tiếp, trong 7 năm gắn bó với công ty TNHH Toho Việt Nam, anh Tự đã nhiều ý tưởng mới góp phần rút ngắn thời gian gia công, sản phẩm làm ra mang lại sự hài lòng của khách hàng, làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng. Từ một người thợ với kiến thức cơ bản, qua quá trình phấn đấu, anh Tự giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi thợ giỏi và trở thành tổ trưởng.

Anh Tự chia sẻ: ngoài sự chủ động của bản thân thì sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng là động lực để những người thợ không ngừng nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kiến thức… để nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại mới.

Những ý tưởng sáng kiến cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Những công nhân giỏi có nhiều sáng kiến ý tưởng nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương

Với những sáng kiến của mình, chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Nguyễn Hữu Tự cũng đã trở thành 2 trong số 100 công nhân giỏi Thủ đô vừa được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương nhân Tháng Công nhân. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh: Dù ở bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, cương vị công tác nào, đội ngũ công nhân cần cù, chịu khó trong lao động, tích cực tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Năm 2023 là năm thứ 15 Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô. Năm nay, toàn thành phố có 56.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu công nhân giỏi cấp cơ sở; 1.655 công nhân lao động được công nhận công nhân giỏi cấp trên cơ sở; trong đó khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3,4,5 đạt danh hiệu công nhân giỏi chiếm trên 60%; số công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 đạt danh hiệu công nhân giỏi chiếm tỷ lệ trên 35%…

Phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu công nhân giỏi Thủ đô đã trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Do đó, phong trào càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động, cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống, việc làm của người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button