Những sự kiện, dấu ấn chứng khoán nổi bật năm 2023
Năm 2023, ngành chứng khoán đang nỗ lực chuyển biến nhằm hay đổi cục diện về lượng và chất. DĐDN điểm lại những dấu ấn nổi bật trên thị trường chứng khoán trong năm qua.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán
Công điện số 1360/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/12/2023 yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là 1 trong 7 mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong lộ trình tái cấu trúc, phát triển thị trường đến năm 2025. Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, Việt Nam đang có thị trường chứng khoán với vốn hóa 246 tỷ USD, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1 tỷ USD ,với gần 50 công ty đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Nữ Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Bộ Tài chính ban hành Quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Chân Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kể từ ngày 09/01/2023. Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương sinh năm 1971 tại Nam Định, là thạc sĩ kinh tế. Tháng 9/1998, bà về công tác tạị Thanh tra UBCKNN.Tháng 07/2016, bà được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch UBCKNN.
Tính đến tháng 10/2020, bà làm Chánh thanh tra UBCKNN và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBCKNN. Bà Phương là Chủ tịch thứ 4 và là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử thành lập UBCKNN.
Cùng với sự kiện có Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử, tại Hội nghị thường niên năm 2023 của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE), diễn ra từ ngày 19 – 21/09/2023, Đại Hội đồng WFE đã bỏ phiếu thống nhất kết nạp Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) làm thành viên chính thức của WFE. Năm 2022, VNX đã trở thành thành viên của Hiệp hội các Sở Giao dịch Chứng khoán khu vực ASEAN (ASEAN Exchanges), Diễn đàn Thị trường Trái phiếu ASEAN (ABMF) và Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán châu Á và châu Đại Đương (AOSEF).
Doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Mỹ
Ngày 15/08 VinFast – hãng xe biểu tượng của Việt Nam-Công ty con của Tập đoàn VinGoup đã niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện rung chuông trên Nasdaq Stock LLC diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”).
Theo đó, VinFast(VFS) đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại. Có thể nói việc việc VFS IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ, giúp các doanh nghiệp Việt, tìm kiếm IPO tại thị trường nước ngoài hướng tới phát triển bền vững tìm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn trên thị trường toàn cầu
Đã có 760 mã trái phiếu được đưa lên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ
Ngày 19/07, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Hệ thống này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Có thể nói, sự ra đời của hệ thống TPDN riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp. Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.
Theo Bộ Tài chính, từ khi khai trương và đưa vào vận hành hệ thống sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX, tính đến hết ngày 30/11/2023, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống là 760 mã.
Các mã trái phiếu trên của 206 doanh nghiệp là tổ chức phát hành, với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 519.4 ngàn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường từ khi thị trường khai trương đến 30/11/2023 đạt 119,678 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1.259,8 tỷ đồng/phiên.
Làm sạch dữ liệu của nhà đầu tư trên TTCK
Ngày 23/09/2023, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – giao UBCKNN, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Làm sạch dữ liệu người dùng tức đối chiếu thông tin của họ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Sau khi đề án làm sạch dữ liệu được ban hành, trong tháng 10 và 11, có gần 900 ngàn tài khoản bị đóng do các công ty chứng khoán chủ động rà soát và đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch.
Cuối tháng 11, UBCKNN đã cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Kế hoạch tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ gồm…
Đối soát, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành chứng khoán; Ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh thông tin nhà đầu tư chứng khoán.
Các CTCK dẫn đầu kênh huy động vốn
Nhóm các công ty chứng khoán top đầu đang “cấp tập” cho đợt tăng vốn những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) thông báo ngày chốt danh sách cổ đông chào bán cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và phát hành 68,58 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2021 tỷ lệ 100:15. Dự kiến, các cổ đông sẽ hoàn tất nộp tiền mua vào giữa tháng 2/2024. Vốn điều lệ của HSC có thể tăng từ 4.581 tỷ lên hơn 7.552 tỷ đồng, cạnh tranh vị trí top 5 với ACBS trong tương lai.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán thêm tối đa hơn 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 10%) và phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 20%). Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 – 2024 hoặc thời gian khác tùy quyết định của HĐQT.
Các đợt tăng vốn sắp tới có thuận lợi nhất định nhờ nhiều khả năng đón thêm thông tin tích cực về tăng trưởng kinh doanh của các công ty chứng khoán khi so sánh với mức nền thấp của quý IV/2022, cũng như nửa đầu năm 2023. Sự quyết liệt của Chính phủ trong mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán cùng kỳ vọng khi vận hành hệ thống giao dịch mới KRX là chất xúc tác hỗ trợ cổ phiếu chứng khoán trên thị trường thứ cấp và các đợt phát hành ở thị trường sơ cấp.
Đa phần mục tiêu trong các đợt huy động vốn cổ đông dành một phần khá lớn cho hoạt động ký quỹ giao dịch. Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán KB trong báo cáo mới đây cho thấy, cho vay ký quỹ là mảng có đóng góp lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán, với tỷ trọng 41% tổng lợi nhuận gộp.
Xử lý mạnh tay với vi phạm trên TTCK
Theo số liệu từ cơ quan quản lý, tính từ đầu năm tới đầu tháng 12/2023 đã ban hành 409 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt khoảng gần 37 tỷ đồng. Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường, có dấu hiệu tội phạm, cơ quan quản lý cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Đến cuối tháng 10/2023, huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu đạt 50.527 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị vốn huy động qua phát hành cổ phiếu đạt 116.684 tỷ đồng, năm 2021 đạt 102.500 tỷ đồng. Ngoài ra trong năm 2023 chỉ có 3 thương vụ IPO, trong đó duy nhất 1 thương vụ thành công, tổng số lượng cổ phần đấu giá thành công đạt 120 triệu cổ phần, tương ứng với giá trị gần 2,6 nghìn tỷ đồng. Hoạt động chào bán cổ phiếu huy động vốn thấp một phần đến từ diễn biến thị trường kém tích cực trong năm 2023 và thanh khoản sụt giảm.
Lỡ hẹn khai trương hệ thống KRX
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam được HOSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Dự án nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán.
KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán (như giao dịch trong ngày T+0, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn…). Điều này sẽ góp phần tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Năm 2023, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống KRX sẵn sàng đi vào vận hành ở thời điểm cuối năm. VNX cũng ra thông báo sẽ xem xét xử lý vi phạm với bất kỳ công ty chứng khoán nào không tham gia hoặc tham gia không đạt yêu cầu kiểm thử hệ thống KRX.
Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống công nghệ thông tin KRX sẽ chính thức vận hành vào ngày 25/12/2023. Tuy vậy, tới ngày 25/12, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc đưa hệ thống vào vận hành.
Kết thúc 2023, VN-Index đóng cửa tại 1.129,93 điểm, tăng hơn 12%. HNX-Index kết thúc năm 2023 ở mức 231,04 điểm, tăng 12,53%, khối lượng giao dịch tăng 12,58% so năm 2022. Giá trị vốn hóa của HoSE tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 4,5 triệu tỷ đồng. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến gần 5,9 triệu tỷ đồng (~245 tỷ USD).
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn